Hà Nội, ngày 17/2/2020 – Ngày 7/2/2020, đại diện các mạng lưới, liên minh, tổ chức và nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam đã cùng nghiên cứu, trao đổi về nội dung Tờ trình và Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020đồng thời thống nhất gửi Thư kiến nghị tới Ban soạn thảo nhằm góp phần hoàn thiện Dự Luật.

Nhóm ủng hộ quan điểm đề cao tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật nhằm cải thiện công tác ngăn ngừa, kiểm soát, quản lý và bảo vệ môi trường một cách thực chất, thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường cũng là căn cứ để xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi. Với tầm quan trọng của Luật Bảo vệ Môi trường, việc sửa đổi lần này cần được thực hiện với sự thận trọng và tham gia sâu rộng của các chuyên gia, tổ chức, cộng đồng và các nhóm đối tượng khác nhau.

Nhóm đặc biệt quan tâm tới tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tế về công tác bảo vệ môi trường, tính công khai minh bạch và giải trình của các bên liên quan trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này. Qua nghiên cứu Dự thảo, Chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề trong Dự thảo cần được xem xét, phân tích một cách thận trọng và tiếp nhận các góp ý đa chiều. Do vậy, nhóm đề xuất:

  • Cân nhắc, xem xét một số kiến nghị do nhóm xây dựng cho Dự thảo. Toàn văn Thư kiến nghị tham khảo tại: http://bit.ly/KN-Lienminh
  • Gia hạn thời gian góp ý thêm 30 ngày do thời gian mở cổng góp ý trực tuyến trùng lặp vào dịp nghỉ tết nguyên đán, cũng như vào thời điểm dịch Corona bùng phát nên chưa nhận được sự quan tâm,  cũng như chưa đủ thời gian để công dân đưa ra ý kiến
  • Lùi thời hạn đệ trình bản Dự thảo lên Chính phủ và Quốc Hội để các bên quan tâm có thể tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho các vấn đề cần hoàn thiện hơn.
  • Cần tăng cường sự tham gia của các bên, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình xây dựng và thực thi luật. Đây là đội ngũ nòng cốt, đóng góp hiệu quả để Luật khả thi, bảo vệ lợi ích của người dân.

Đặc biệt, nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong việc đóng góp ý kiến cho Dự Luật, Nhóm dự kiến thực hiện thêm một số hoạt động sau:

  • Tổ chức các tọa đàm thu thập ý kiến góp ý của các chuyên gia, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức khoa học công nghệ cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
  • Tổ chức tham vấn lấy ý kiến đại diện cộng đồng ở 3 khu vực Bắc, Trung và Nam.
  • Tổng hợp ý kiến góp ý và gửi thư góp ý tới Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp, Văn phòng chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường – Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Ngày 14/2 vừa qua, Toàn văn Thư kiến nghị này cũng đã được chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Đối thoại với đại diện các tổ chức xã hội về Kiến nghị, Góp ý Luật bảo vệ môi trường sửa đổi”

——————

Danh sách mạng lưới, liên minh, tổ chức, nhà nghiên cứu tham đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi:

  • Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP)
  • Mạng lưới Hành động giảm thiểu rác thải nhựa Việt Nam (PAN)
  • Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)
  • Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
  • Liên minh Phòng chống các bệnh Không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)
  • Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam (VIWHA)
  • Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
  • Nhóm Hành động vì Công lý – Môi trường – Sức khỏe (JEH)
  • Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
  • Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)
  • Trung Tâm Thông Tin Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGO –IC)
  • Ông Nguyễn Khắc Kinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
  • Ông Nguyễn Việt Dũng, tư vấn Thể chế và Quản trị

Thông tin liên hệ (nếu cần):

Nguyễn Trang Nguyên – Quản lý truyền thông

Nguyễn Hải LinhCán bộ truyền thông Live&Learn 

Email: linh.nguyenhai@livelearn.org  

hoặc

Nguyễn Trang NguyênQuản lý truyền thông GreenID 

Email: nttnguyen@greenidvietnam.org.vn 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x