Hiện trạng Bụi PM2.5 tại Việt Nam

năm 2019 - 2020

Hiện trạng bụi PM2.5 trên toàn quốc

Các tỉnh/thành phố nào ở Việt Nam đang chịu ô nhiễm PM2.5?

Trên phạm vi toàn quốc, theo dữ liệu mô hình MEM, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 có xu hướng giảm so với năm 2019. Trong năm 2019, nồng độ PM2.5 trung bình năm thấp nhất là 9 µg/m3 và cao nhất là 41 µg/m3; và trong năm 2020 là 8 µg/m3 và 35,8 µg/m3. Các vùng có nồng độ bụi PM2.5 cao là Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), và TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Tại Đồng bằng sông Hồng, ngoài ảnh hưởng của nguồn thải, chất lượng không khí cũng chịu ảnh hưởng một phần của điều kiện khí tượng, đặc biệt vào mùa đông lạnh, ít mưa và ảnh hưởng của khí áp cao làm cho chất ô nhiễm khuếch tán kém, khiến cho giá trị nồng độ PM2.5 cao hơn vào những tháng này trong năm.

Bản đồ nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2020 và 2019

Giữ phím Ctrl và vuốt chuột lên - xuống để thay đổi kích thước

Trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực trong tỉnh vẫn đang bị ô nhiễm bụi PM2.5.
So sánh với khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 µg/m3) và năm 2005 (10 µg/m3) cho sức khỏe cộng đồng, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 – 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.

Bản đồ nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2020 và 2019

Quy mô đô thị và ô nhiễm bụi PM2.5có sự liên quan?

Theo dữ liệu mô hình MEM, về nồng bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cấp đô thị, trong hai đô thị đặc biệt có Thủ đô Hà Nội (tương đương 50% của nhóm đô thị này) có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, trong khi tỷ lệ này tại các đô thị loại I, loại II, loại III, và loại IV lần lượt là 36,4%, 15,6%, 31,3% và 12,1%.
Nhóm đô thị loại III có tỉ lệ vượt ngưỡng quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT cao hơn nhóm đô thị loại II, nguyên nhân có thể do phân bố của các đô thị loại III tập trung nhiều ở những vùng có mức độ ô nhiễm cao như vùng Đồng bằng sông Hồng và xung quanh TP. Hồ Chí Minh.

Tỉ lệ đô thị theo mức có nồng độ PM 2.5 vượt ngưỡng QCVN

Bản đồ phân bố đô thị Việt Nam và nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2020 của các tỉnh/thành phố thuộc Trung Ương

Chờ vài giây để load bản đồ
Giữ Ctrl và vuốt chuột lên - xuống để thu nhỏ, phóng to bản đồ

Bụi PM2.5 ở Việt Nam đến từ những nguồn nào?

Theo nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự, ước tính lượng phát thải PM2.5 năm 2018 từ các hoạt động của con người và cháy rừng trên lãnh thổ Việt Nam là khoảng 600 nghìn tấn (chưa kể nguồn bụi đường và một số nguồn khác). Lượng phát thải PM2.5 từ đốt bỏ phụ phẩm nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (40%), tiếp theo là đun nấu dân sinh (17%), giao thông đường bộ (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp (11%), và nhà máy nhiệt điện (3,3%). Các lĩnh vực còn lại đóng góp chung khoảng 3% tổng lượng phát thải PM2.5 của cả nước.
Hoạt động không nằm trong kết quả kiểm kê phát thải này gồm xây dựng, lò đốt rác, vận tải đường biển quốc tế, hỏa hoạn, đốt hương, nến và vàng mã, v.v

Bản đồ phát thải PM2.5 cấp tỉnh năm 2018 cho thấy các tỉnh, thành phố có lượng phát thải cao chủ yếu nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng với mức độ phát thải trên 6,5 tấn/km2/năm, và ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ trên 5,0 tấn/km2/năm. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có lượng phát thải lớn nhất, đều trong khoảng 9,01-10,25 tấn/km2/năm. Các tỉnh thành ở các khu vực còn lại như vùng Trung du và miền núi phía Bắc và miền Trung có mức độ phát thải PM2.5 thấp hơn, dao động từ 0,35 đến 3,0 tấn/km2/năm.

Hiện trạng bụi PM2.5 theo miền

MIỀN BẮC

Tại miền Bắc, theo dữ liệu mô hình MEM, nồng độ bụi PM2.5 năm 2020 dao động từ 9,9 µg/m3 đến 35,8 µg/m3. Nồng độ bụi PM2.5 cao chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp hơn ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, nồng độ PM2.5 trung bình năm dao động từ 12,8 µg/m3 đến 35,8 µg/m3, trong đó cao nhất ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hà Nội. Nồng độ PM2.5 tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc thấp hơn và dao động từ 9,9 – 32,5 µg/m3.

Bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 ở các tỉnh phía Bắc

Rê chuột vào các tỉnh để biết thêm chi tiết

Theo dữ liệu trạm quan trắc thu thập được tại miền Bắc, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 tại các trạm dao động từ 22 µg/m3 đến 62,7 µg/m3. Có đến 41/43 trạm đo có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt QCVN 05:2013/BTNMT (25 µg/m3).Nồng độ PM2.5 cao được quan sát ở các trạm tại vùng Đồng bằng sông Hồng, và giá trị thấp hơn ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (trạm Cao Bằng, Hà Giang), tương đồng với xu hướng từ dữ liệu mô hình MEM. Nồng độ bụi PM2.5 cao nhất là trạm Ba Tháng Hai (Thái Nguyên) có thể chịu ảnh hưởng bởi nguồn giao thông vì nằm cạnh đường giao thông Ba Tháng Hai. Nồng độ bụi PM2.5 thấp nhất tại trạm sông Bằng (Cao Bằng), nơi có vị trí đặt trạm nằm gần sông, xung quanh dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồi núi.

Bản đồ phân bố và nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2020 từ mô hình NEM và từ các trạm tại miền Bắc

Click vào các ô vuông màu để ẩn/hiện các trạm đo. Rê chuột vào các chấm tròn trên bản đồ để biến thêm thông tin các trạm

Xét theo nồng độ PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh, trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT. Trong khi đó, con số này năm 2019 là 11/25 tỉnh thành (chiếm 44%). So sánh với khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 µg/m3), tất cả các tỉnh, thành phố tại miền Bắc đều có nồng độ bụi PM2.5 trong giai đoạn 2019 – 2020 vượt nhiều lần mức khuyến nghị này. So sánh với năm 2019, nồng độ PM2.5 của các tỉnh, thành phố năm 2020 giảm trung bình 14% trên toàn miền Bắc.

MIỀN TRUNG

Tại miền Trung, theo dữ liệu mô hình MEM, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 dao động từ 8,0 µg/m3 đến 32,3 µg/m3, với phần lớn nồng độ nằm dưới ngưỡng của quy chuẩn quốc gia. Nồng độ PM2.5 trung bình năm cao quan sát được ở Thanh Hóa (10,4 - 32,3 µg/m3), Nghệ An (9,4 - 30,6 µg/m3), Hà Tĩnh (11 - 29,2 µg/m3). Vùng Tây Nguyên có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các tỉnh cũng ở mức thấp, dao động từ 9 µg/m3 đến 18,6 µg/m3.

Bản đồ nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm 2020 ở các tỉnh miền Trung

Giữ phím Ctrl + vuốt chuột lên - xuống để chỉnh kích cỡ bản đồ

Rê chuột vào các tỉnh để biết thêm chi tiết

Theo dữ liệu trạm cảm biến thu thập được tại miền Trung, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 tại các trạm nằm trong khoảng 12,2 µg/m3 đến 35,9 µg/m3. Trong đó, có 5/12 trạm có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, cao nhất tại điểm quan trắc ở Hà Tĩnh (quản lý bởi đại học Phú Xuân) và thấp nhất tại trạm FPT Complex, Đà Nẵng (nằm trong khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng kế bên dòng Cổ Cò, xung quanh chủ yếu là đất trống, mật độ xây dựng thấp). Xu hướng phân bố không gian dữ liệu trạm cảm biến tương đồng với dữ liệu mô hình MEM , trong đó nồng độ PM2.5 cao được quan sát tại các trạm ở khu vực ven biển vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại Hà Tĩnh, Nghệ An, và giá trị thấp hơn ở vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Bản đồ phân bố và nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2020 từ mô hình MEM và từ các trạm tại miền Trung

Click vào các ô tròn màu để ẩn/hiện các trạm đo. Rê chuột vào các chấm tròn trên bản đồ để biến thêm thông tin các trạm

Xét theo nồng độ PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh, trong năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố ở miền Trung và Tây Nguyên đều có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm thấp hơn QCVN 05:2013/BTNMT. So sánh với năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 của các tỉnh, thành phố giảm 13,2% trên toàn miền Trung. Mức giảm nhiều nhất ở các tỉnh Khánh Hòa (16,4%), Ninh Thuận (15,5%), Đắk Lắk (15,0%) và giảm ít hơn ở Nghệ An (10,3%) và Hà Tĩnh (8,8%).

Miền Nam

Tại miền Nam, theo dữ liệu mô hình MEM, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm dao động từ 8,5 µg/m3 đến 29,1 μg/m3. Có thể nhận thấy sự chênh lệch lớn của giá trị này giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thuộc vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh còn lại. Vùng Đông Nam Bộ có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm dao động từ 10,8 μg/m3 đến 29,1 μg/m3, trong đó cao nhất ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Các tỉnh/thành phố ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm thấp hơn, dao động từ 8,5 μg/m3 đến 23,6 µg/m3. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm thấp nhất ở Cà Mau, và cao nhất ở Long An, đây là tỉnh tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và cũng tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, và khu sản xuất.

Bản đồ nồng độ PM2.5 trung bình năm ở các tỉnh phía Nam

Rê chuột vào mỗi tỉnh để biết thêm chi tiết

Theo dữ liệu trạm quan trắc thu thập được tại miền Nam , nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 nằm trong khoảng từ 21 µg/m3 đến 39,1 µg/m3. Có 7/21 trạm đo có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn. Nồng độ bụi PM2.5 cao nhất và thấp nhất đều năm tại hai trạm tại TP. Hồ Chí Minh, lần lượt là trạm Ấp Xuân Thới Đông 2 và trạm FPT. Do hầu hết các trạm cảm biến nằm ở TP. Hồ Chí Minh và một vài trạm ở Bình Dương và Đồng Nai, nên không thấy rõ xu hướng phân bố không gian từ các trạm cảm biến so với kết quả mô hình.

Bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 từ mô hình MEM và từ các trạm tại miền Bắc

Rê chuột vào các tỉnh/trạm đo để biết thêm thông tin chi tiết và click vào các ô màu để ẩn/hiện các trạm đo

Xét theo nồng độ PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh, trong năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố đều có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm thấp hơn QCVN 05:2013/BTNMT. Một số khu vực thuộc TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai vẫn có giá trị nồng độ bụi PM2.5 cao. So sánh với năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 trung bình trong năm 2020 của các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm 9,8% trên toàn miền. Mức giảm nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu (11,6%), TP. Hồ Chí Minh (11,7%) và giảm ít ở các tỉnh An Giang (6,7%) và Đồng Tháp (6,6%). Trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là hai địa phương duy nhất toàn miền có nồng độ PM2.5 trung bình toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia.

Hiện trạng bụi PM2.5 tại các đô thị đặc biệt

HÀ NỘI

Ô nhiễm bụi PM2.5 ở Hà Nội chủ yếu tập trung tại các quận nội thành

Theo dữ liệu mô hình MEM, về nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cấp quận/huyện/thị xã, 29/30 quận/huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 vượt quy chuẩn QCVN 05:2013 BTNMT. Hầu hết các huyện/thị xã ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì) đều có nồng độ thấp hơn so với các quận nội thành. Tại 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 µg/m3 đến 32,9 µg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 µg/m3) và thấp nhất tại Hà Đông (31,5 µg/m3). Trong khi đó, giá trị này tại các huyện/thị xã ngoại thành trong khoảng từ 24,1µg/m3 đến 33,6 µg/m3, cao nhất là Gia Lâm (33,6 µg/m3) và thấp nhất tại Ba Vì (24,1 µg/m3).

Bản đồ nồng độ bụi PM2.5trung bình năm 2020 tại Hà Nội

Rê chuột vào từng quận để xem chi tiết

Theo dữ liệu nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 từ 14 trạm cảm biến thu thập được tại Hà Nội, có tới 13/14 trạm cảm biến có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn. Giá trị tại các trạm dao động từ 22,3 µg/m3 đến 59,8 µg/m3, trong đó thấp nhất là 22,3 µg/m3 tại trạm FSoft Cầu Giấy và cao nhất là 59,8 µg/m3 tại trạm Trần Hưng Đạo đặt tại thị xã Sơn Tây.

Bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 từ mô hình MEM và từ các trạm tại Hà Nội

Rê chuột vào từng quận và chấm màu để xem chi tiết. Click vào các ô màu để ẩn/hiện các trạm

Nồng độ bụi PM2.5 của Hà Nội tăng trong các tháng mùa đông

Nồng độ bụi PM2.5 trong năm 2020 có sự biến động rõ rệt theo mùa, trong đó tăng cao trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 và giảm từ tháng 5 đến tháng 9; và chênh lệch rất lớn giữa tháng có nồng độ cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 của các quận/ huyện ở Hà Nội cao nhất trong tháng 2 và dao động từ 38,1 µg/m3 đến 56,1 µg/m3 và thấp nhất là vào tháng 8, biến động từ 13 µg/m3 đến 18,6 µg/m3. Vào các tháng mùa hè, điều kiện nhiệt độ cao, gió mạnh làm cho bụi dễ khuếch tán, và thời tiết mưa nhiều cũng giúp nồng độ bụi PM2.5 giảm thấp. Lưu ý, bên cạnh ảnh hưởng của các nguồn thải tại địa phương, chất lượng không khí Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng tới bởi bụi PM2.5 lan truyền từ xa và điều kiện khí tượng.

Nồng độ PM2.5trung bình theo tháng ở 30 quận/huyện của Hà Nội

Có thể đánh tên nhiều quận/huyện vào ô tìm kiếm dưới đây để xem chi tiết

Quan sát chất lượng không khí của Hà Nội qua trạm của Đại sứ quán Mỹ

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2018, trạm quan trắc ĐSQ Mỹ được đặt tại số 7 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Do việc di dời và lắp đặt lại trạm diễn ra trong thời gian năm 2019 nên trạm không có dữ liệu của phần lớn năm này. Năm 2019 đến nay, trạm được đặt tại 19/21 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nằm gần các đường giao thông như Hai Bà Trưng, phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt và phố Ngô Quyền

Theo dữ liệu tại trạm ĐSQ Mỹ, trong giai đoạn 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại trạm đều vượt gần hai lần giá trị quy định trong QCVN 05:2013/BTNMT và cao hơn rất nhiều so với khuyến nghị của WHO 2021 . Từ năm 2016 đến năm 2017, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm có xu hướng giảm mạnh (51,2 µg/m3 xuống 43 µg/m3), sau đó tăng nhẹ trong giai đoạn 2017 – 2018 và năm 2020.

Hình bên dựa trên quy đổi nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày theo các mức VN_AQI tương ứng bao gồm tốt, trung bình, kém, xấu, rất xấu và nguy hại. Trong năm 2020, kết quả tại trạm ĐSQ cho thấy có 192/358 ngày ở mức trung bình và chiếm hơn một nửa số ngày trong năm (chiếm 53,8%), số ngày ở mức tốt thì rất thấp (69/358 ngày), có xu hướng giảm so với các năm khác. Số ngày ở mức kém, xấu và rất xấu vẫn chiếm tỉ lệ cao với tổng tỷ lệ đạt 27% (97/358 ngày).

Tỉ lệ số ngày theo 6 mức chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) tại trạm (năm 2019 không có dữ liệu vì di chuyển trạm)

Nguồn gốc bụi PM2.5 của Hà Nội chủ yếu đến từ hoạt động công nghiệp?

Theo nghiên cứu của Oanh & Huy (2021), ước tính tổng lượng PM2.5 phát thải khoảng 20 nghìn tấn/năm (chưa kể bụi đường và môt số nguồn khác), trong đó khoảng 48,3% lượng PM2.5 đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21,3% từ giao thông, 20,2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) và 6,6% do đun nấu dân dụng và thương mại.
Hoạt động không nằm trong kết quả kiểm kê phát thải này gồm xây dựng, lò đốt rác, vận tải đường biển quốc tế, hỏa hoạn, đốt hương, nến và vàng mã, v.v

Đóng góp của các nguồn thải bụi PM2.5 ở Hà Nội năm 2018

Ước tính có gần 3000 ca tử vong sớm ở Hà Nội do phơi nhiễm bụi PM2.5

Dựa trên số liệu của bản đồ bụi PM2.5 trung bình năm tại các quận/huyện năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5So sánh giữa các quận/huyện, Hoàn Kiếm và Ba Đình là hai quận có tỉ suất tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất, lần lượt là 59.8 và 55.3 trên 100.000 dân.

Số ca tử vong sớm và tỉ suất tử vong/100.000 dân do phơi nhiễm với bụi PM2.5dựa trên dữ liệu năm 2019

Lựa chọn menu để xem hai loại dữ liệu

TP. Hồ Chí Minh

Theo dữ liệu mô hình MEM, về nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cấp quận/huyện, 12/24 quận/huyện ở TP. Hồ Chí Minh có nồng độ bụi PM2.5 năm 2020 vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/ BTNMT. Không có sự chênh lệch lớn giữa các quận/huyện, nồng độ dao động từ 21,4 µg/m³ đến 27,4 µg/m³. Nồng độ bụi ở TP. Hồ Chí Minh không có xu hướng chênh lệch rõ ràng giữa khu vực nội thành và ngoại thành như tại Thủ đô Hà Nội, mà phân bố theo các hướng khác nhau. Các khu vực có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao bao gồm một số quận/huyện ngoại thành như TP. Thủ Đức (27,4 µg/m³), Quận 12 (26,7 µg/m³) sau đó đến một số quận nội thành như Bình Thạnh (26,4 µg/m³), Gò Vấp (26,3 µg/m³). Các khu vực có nồng độ tương đối thấp là Củ Chi (24,9 µg/m³), Nhà Bè (23,9 µg/m³) và Bình Tân (23,7 µg/m³). Khu vực có nồng độ thấp nhất là Bình Chánh (22,8 µg/m³) và Cần Giờ (21,4 µg/m³).

Bản đồ nồng độ bụi PM2.5trung bình năm 2020 tại TP.Hồ Chí Minh

Rê chuột vào từng quận/huyện/thành phố để biết thêm chi tiết.

Theo dữ liệu nồng độ bụi trung bình năm 2020 từ 18 trạm cảm biến thu thập được tại TP. Hồ Chí Minh, có 14 /18 trạm có nồng độ PM2.5 dưới ngưỡng QCVN 05:2013/BTNMT. Các giá trị trung bình nồng độ bụi PM2.5 trong năm 2020 tại các trạm này dao động trong khoảng từ 15,7 μg/m3 đến 39,1 μg/m3 với giá trị thấp nhất tại điểm đo FPT Software HCM và THCS Thạnh Mỹ Lợi và cao nhất tại điểm Ấp Xuân Thới Đông 2.

Bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 từ mô hình MEM và từ các trạm tại TP. Hồ Chí Minh

Rê chuột vào từng quận/huyện/thành phố để biết thêm chi tiết. Click vào ô màu để ẩn/hiện các trạm

Giống như Hà Nội, nồng độ bụi PM 2.5 của TP. Hồ Chí Minh cũng ở mức cao điểm trong các tháng mùa khô

Nồng độ bụi PM2.5 trong năm 2020 có sự khác biệt về nồng độ bụi PM2.5 trong hai mùa mưa và mùa khô. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao nhất trong các tháng từ 11 đến tháng 2 (mùa khô) và giảm thấp trong thời gian từ tháng 6 – tháng 10 (mùa mưa). Trong các tháng mùa khô năm 2020, tháng 2 có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất và dao động trong tháng này từ 29 – 39 µg/m3. Trong các tháng mùa mưa, tháng 8 có nồng độ bụi PM2.5 thấp nhất, dao động ô nhiễm trong tháng này chỉ từ 14,7 – 18,4 µg/m3.

Nồng độ PM2.5trung bình theo tháng ở 24 quận/huyện/thành phố của TP.Hồ Chí Minh

Có thể đánh tên nhiều quận/huyện cùng lúc để so sánh nồng độ

Quan sát chất lượng không khí của TP. Hồ Chí Minh qua trạm của Lãnh sứ quán Mỹ

Trạm quan trắc chất lượng không khí của lãnh sự quán Hoa Kỳ được đặt tại tòa nhà của Lãnh sự quán ở số 4 Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Trạm này nằm gần các đường lớn như đường Hai Bà Trưng, đường Tôn Đức Thắng

Theo dữ liệu tại trạm LSQ Mỹ, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm từ 2016 đến 2019 đều vượt quy chuẩn quốc gia, có xu hướng giảm dần từ năm 2017 đến 2020, trong đó năm 2020 thấp nhất và dưới ngưỡng QCVN 05:2013.

Dữ liệu trạm LSQ Mỹ cho thấy, trong năm 2020, có tới 225/361 ngày ở mức tốt, chiếm 62,3% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua. Tỷ lệ ngày mức trung bình là 36,1% (khoảng 133/361 ngày) và mức kém chiếm 0,9% (khoảng 3/361 ngày) cũng là thấp nhất trong tất cả các năm

Tỉ lệ số ngày theo 6 mức chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) tại trạm

Nguồn phát PM2.5 của TP. Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ hoạt động giao thông?

Theo kết quả nghiên cứu của PGS. TS. Hồ Quốc Bằng và cộng sự , kết quả kiểm kê năm 2017 cho thấy tổng lượng phát thải bụi PM2.5 tại TP. Hồ Chí Minh là hơn 4 nghìn tấn/năm. Trong đó, nguồn đường (giao thông) đóng góp bụi PM2.5 cao nhất tương ứng với 1.813 tấn/năm chiếm khoảng 45% (trong đó giao thông đường bộ là nguồn phát thải giao thông chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh chiếm 75,13% tổng lượng thải PM2.5 của nguồn đường). Nguồn điểm đóng góp vào phát thải bụi PM2.5 đứng thứ hai với 1.289 tấn/năm chiếm khoảng 32% (dệt may và thực phẩm là hai ngành đóng góp nhiều nhất vào lượng bụi PM2.5 của ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh lần lượt là 536 tấn/năm, chiếm 41,5%; và 258,66 tấn/năm chiếm 20,06% tổng phát thải của nguồn điểm). Ngoài ra, nguồn diện đóng góp bụi PM2.5 là thấp nhất (927 tấn/năm) chiếm khoảng 23% (hộ gia đình và nhà hàng - quán ăn là hai nguồn chính, đóng góp tương ứng tới 555,01 tấn/năm chiếm 59,87% và 274,06 tấn/năm chiếm 29,56% tổng phát thải từ nguồn diện của TP. Hồ Chí Minh

Đóng góp các nguồn thải bụi PM2.5ở TP.Hồ Chí Minh năm 2017

Nguồn đường :Các phương tiện giao thông
Nguồn điểm :Các nhà máy sản xuất công nghiệp
Nguồn diện :Đốt nhiên liệu; hoạt động sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ; đốt sinh khối, các nguồn hỗn hợp khác như xây dựng, khai khoáng