Sáng 19/08/2021, Ngày 19 tháng 8 năm 2021, Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến chia sẻ và cập nhật các kết quả nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020. Hội thảo đã cập nhật và chia sẻ một số kết quả nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trong đó tập trung cho các đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phương pháp nghiên cứu; thực trạng, nguyên nhân và khuyến nghị chính sách. 

Chủ trì Hội thảo là Phó tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức – Tổng cục Môi trường, với sự tham gia của lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc và các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Các đại biểu tham gia gồm 127 đại biểu đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Sở TN&MT của 8 tỉnh (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình), các nhà khoa học từ trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ châu Á (AIT, Thái Lan), đại diện một số cơ quan quốc tế như USAID, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Đan Mạch, Liên minh châu Âu tại Việt Nam, v.v.

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, công tác quản lý môi trường không khí đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Đối với quản lý môi trường cấp tỉnh, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường cấp tỉnh. Đây là những công cụ pháp lý quan trọng để triển khai công tác bảo vệ môi trường không khí.

Từ phía Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc, Phó giám đốc Trung tâm, Bà Nguyễn Nguyệt Ánh đã có bài trình bày về hiện trạng mạng lưới quan trắc quốc gia và một số đề tài nghiên cứu khoa học mà Tổng cục môi trường và Trung tâm đang thực hiện. Theo đó, từ 2021 đến 2023, Tổng cục sẽ tiến hành kiểm kê phát thải vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Nam, xác định tỷ lệ đống góp của các nguồn phát thải PM2.5. Một dự án cũng sẽ sớm được triển khai là xây dựng và vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo CLKK theo thời gian thực và ngắn hạn.

 

Tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh từ trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ phương pháp và kết quả nồng độ bụi PM2.5 ở Việt Nam ở cấp quốc gia và ở từng tỉnh, thành phố năm 2019, 2020. Sử dụng dữ liệu mô hình hóa từ các nguồn khác nhau, nghiên cứu cho thấy các tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, TP. HCM và các tỉnh lân cận có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất cả nước. Kết quả này nằm trong báo cáo “Hiện trạng Bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn”.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Viện Công nghệ châu Á, Thái Lan đã trình bày về phương pháp và kết quả kiểm kê phát thải PM2.5 năm 2018 tại Việt Nam, đồng thời so sánh kết quả này với các nghiên cứu kiểm kê khác tại Việt Nam. Kết quả kiểm kê cho năm 2018 ước tính 600 nghìn tấn PM2.5 năm (chưa kể bụi đường) chủ yếu từ đốt phụ phẩm nông nghiệp (40%), theo sau là đun nấu dân dụng (17%), cháy rừng (12.7%), giao thông đường bộ (13%), và hoạt động công nghiệp (11%). Các lĩnh vực còn lại có đóng góp tổng cộng khoảng 6% tổng lượng phát thải bụi PM2.5 trong cả nước.Tại Hà Nội, ước tính tổng lượng PM2.5 phát thải khoảng 20 nghìn tấn/năm (chưa kể bụi đường), trong đó khoảng 48.3% lượng PM2.5 đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21.3% từ giao thông, 20.2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) và 6.6% do đun nấu dân dụng và thương mại.

 

PGS. TS. Hồ Quốc Bằng từ Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM trình bày kết quả xác định nguồn thải ONKK tại TP. HCM, và từ đó chia sẻ phương pháp khoa học để xây dựng kế hoạch quản lý CLKK, từ kiểm kê nguồn thải, tới đánh giá tác động sức khỏe và đưa ra giải pháp. Kết quả kiểm kê năm 2017 cho thấy tổng lượng phát thải bụi PM2.5 của TP. Hồ Chí Minh năm 2017 là 4,029 nghìn tấn (các nguồn đốt phụ phẩm nông nghiệp, cháy rừng, đốt rác thải chưa được tính đến). Trong đó, cơ cấu đóng góp của các nguồn thải với nguồn đường (giao thông) đóng góp vào phát thải bụi PM2.5 cao nhất (45%), sau đó đến nguồn công nghiệp (32%), nguồn dân sinh (23%).

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live&Learn đã trình bày tóm tắt một số các giải pháp và khuyến nghị trong quản lý CLKK, đặc biệt là tại Hà Nội – địa phương đang có nhiều kết quả nghiên cứu về ONKK và cơ sở để triển khai lập kế hoạch quản lý CLKK. Theo bà, việc xây dựng kế hoạch quản lý CLKK cấp quốc gia và địa phương rất cần sự hợp tác liên ngành, liên tỉnh, giữa các cơ quan quản lý và các nhà khoa học. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tham khảo kế hoạch quản lý CLKK của một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc.  

 

Phiên thảo luận cũng đã ghi nhận 15 ý kiến thảo luận, trao đổi từ các chuyên gia, các tổ chức và các sở TN&MT các tỉnh về vấn đề xác định các nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm; để từ đó các địa phương có phương pháp và cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch quản lý Chất lượng không khí cấp tỉnh. 

Kết thúc Hội thảo, Phó tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức đánh giá cao các phương pháp và kết quả nghiên cứu được chia sẻ trong hội thảo, đóng góp vào dữ liệu nghiên cứu CLKK quốc gia và đưa ra hiểu biết về hiện trạng ONKK, các nguồn để đưa ra các biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp cho cả đô thị và các vùng khác cho cả nước. 

 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x