Các nghiên cứu nổi bật về ONKK ở Việt Nam trong Quý II/2022

1. DI CƯ DO Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở VIỆT NAM

Ô nhiễm không khí được xem là tác nhân thúc đẩy sự di cư và chảy máu chất xám. Kết quả khảo sát cư dân thành thị tại Hà Nội cho thấy những người có trình độ học vấn cao thường có ý định di cư cả trong nước và quốc tế do vấn đề ô nhiễm không khí. Đối với ý định di cư trong nước, những người người trẻ tuổi và nam giới sẽ có khả năng di cư hơn những nhóm khác. Dựa trên dữ liệu khảo sát, ô nhiễm không khí có thể đóng góp vào vấn đề chảy máu chất xám thông qua cơ chế tâm lý cá nhân là cân nhắc chi phí – lợi ích. Nguy cơ của ô nhiễm không khí đối với nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu về xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái (ecosurplus culture) để tăng cường khả năng chống chịu về môi trường và kinh tế xã hội. Đọc thêm 

2. CHI TRẢ CHO GIẢI PHÁP GIẢM Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI: AI SẴN SÀNG CHI TRẢ?

Theo nghiên cứu, hầu hết những người được hỏi ở Hà Nội (95%) đồng ý rằng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng và chất lượng không khí kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe của họ. Hơn 93% số người được hỏi khẳng định giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thành phố là vấn đề cấp bách, tuy nhiên mức độ sẵn sàng chi trả cho các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí tương đối nhỏ, chỉ 0,4–0,5% trong thu nhập hàng tháng của hộ gia đình (4,6- 6 đô la). Nhiều người cũng từ chối đóng góp vì sự tin tưởng thấp đối với khu vực công trong việc sử dụng các khoản đóng góp bằng tiền. Đọc thêm

3. VIỆT NAM XẾP THỨ 16/117 QUỐC GIA VỀ Ô NHIỄM BỤI PM2.5 THEO DỮ LIỆU IQAIR/ AIRVISUAL NĂM 2021

Báo cáo Chất lượng không khí Toàn cầu 2021 của IQAir/AirVisual, Việt Nam có nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 tại Việt Nam theo trọng số dân số là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 là 28,1 μg/m3 và năm 2019 là 34,1 μg/m3. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; và xét trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất. Báo cáo phân tích dữ liệu nồng độ PM2.5 từ 6.475 thành phố và 117 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy chỉ có 3% số thành phố và không có quốc gia nào có nồng độ PM2.5 trung bình năm nằm dưới ngưỡng Khuyến nghị về chất lượng không khí của WHO năm 2021. 

4. NGHIÊN CỨU PHƠI NHIỄM PM2.5 VÀ TÁC ĐỘNG TỪ CÁC NGUỒN GIAO THÔNG TỚI SỨC KHOẺ TRẺ EM TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cùng các đối tác triển khai lắp đặt cảm biến chi phí thấp tại TP. Hồ Chí Minh để đo lường tác động của việc phơi nhiễm với các nguồn gây ONKK từ giao thông và xem xét các mối liên hệ với các bệnh hô hấp ở trẻ em. Nghiên cứu sẽ được triển khai trong năm 2022 với các kết quả đầu ra sẽ là cơ sở để xây dựng tài liệu giáo dục-truyền thông và khuyến nghị chính sách để giảm tiếp xúc với ONKK đối với trẻ em.

5. GIÁ DẦU DIESEL CAO HƠN VÀ SỰ GIẢM Ô NHIỄM: BẰNG CHỨNG TỪ VIỆT NAM

Sự thay đổi về giá dầu diesel có thể tác động đến nồng độ PM2.5 hàng ngày ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về nồng độ bụi PM2.5 hàng ngày tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng giá các loại nhiên liệu trong 2 năm 2016 – 2017. Kết quả phân tích cho thấy mỗi khi giá dầu diesel tăng 1000 VND, nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày giảm 2,7% tại TP. Hồ Chí Minh và 13,4% tại Hà Nội. Nghiên cứu cung cấp những bằng chứng có giá trị cho việc hoạch định các chính sách môi trường liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu. Đọc thêm

6. SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA BỤI MỊN VÀ SỐ CA NHẬP VIỆN HÀNG NGÀY VÌ RỐI LOẠN TÂM THẦN VÀ HÀNH VI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sự tương quan giữa phơi nhiễm PM2.5 và số ca nhập viện hàng ngày do rối loạn sức khỏe tâm thần và hành vi (MBDs) tại Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2017–2020. Kết quả nghiên cứu trên 9986 bệnh nhân cho thấy nếu nồng độ PM2.5 hàng ngày tăng thêm 10 μg/m3, số ca nhập viện do MBDs tăng 2,96%. Ảnh hưởng của phơi nhiễm PM2.5 lên số ca nhập viện rõ ràng hơn ở bệnh nhân nữ và nhóm tuổi trung niên (35–59 tuổi). Đọc thêm

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x