Delhi là một trong các thủ đô có chất lượng không khí được cải thiện sau khi thực hiện lệnh phong tỏa do COVID-19.
by Hannah Ellis-Petersen in Delhi, Rebecca Ratcliffe in Bangkok, Sam Cowie in São Paulo, Joe Parkin Daniels in Bogotá and Lily Kuo in Beijing
Ảnh chụp màn hình bắt đầu được lưu truyền rộng rãi trong các nhóm chat trên WhatsApp vào tuần trước, đi kèm với hàng loạt những biểu hiện hoài nghi khác nhau. Sau khi kiểm tra chỉ số chất lượng không khí, được coi như là một nghi thức buổi sáng của người dân Delhi, nhiều người không thể tin vào mắt mình.
Không còn dấu hiệu đỏ đe dọa như thường lệ, điều chỉ ra rằng mỗi hơi thở hít vào thực sự là một luồng gió độc hại đi thẳng vào phổi; thay vào đó là dấu hiệu xanh lành mạnh và vui tươi. Có đúng là mức độ ô nhiễm tại Delhi đã giảm đến loại tốt? “Đó thật sự là những ngọn núi!” một người đã reo lên qua tin nhắn.
Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Ấn Độ bắt đầu gần hai tuần trước đã tạm dừng sự lây lan của virus. Lệnh phong tỏa rộng nhất từ trước đến nay này đã dẫn đến sự hỗn loạn và đau khổ, đặc biệt là với 300 triệu người nghèo. Tuy nhiên, tại Delhi, thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nó đã đem lại không khí trong lành nhất mà thủ đô này đã trải qua trong nhiều thập kỷ.
Sự “trong cái rủi có cái may” này được lặp lại khắp thế giới. Tại các siêu đô thị ô nhiễm như Bangkok, Bắc Kinh, Sau Paulo và Bogotá, những nơi mà lệnh phong tỏa do COVID-19 được áp đặt, ô nhiễm không khí đã giảm mạnh chưa từng có. Trái lại, có một sự trớ trêu tàn khốc là, hầu hết cư dân của các thành phố này đều bị cấm ra ngoài, hiếm người có thể tận hướng bầu không khí trong lành mới mẻ này, trừ khi mở cửa số hoặc trên đường nhanh chóng đi ra siêu thị.
Ở Delhi, mức chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường ở mức rất xấu 200 trong một ngày bình thường (WHO coi chỉ số trên 25 là không an toàn). Suốt thời kì ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào năm ngoài, AQI đã tăng vọt lên 900, mức nguy hiểm đến tính mạng, và đôi khi còn vượt quá thang đo.
Nhưng từ khi 11 triệu ô tô tại Delhi không còn ra đường, các nhà máy và hoạt động xây dựng dừng lại, mức AQI thường xuyên giảm xuống dưới 20. Bầu trời đột nhiên có một màu xanh trong vắt hiếm hoi. Thậm chí tiếng chim hót dưỡng như cũng to hơn.
Tiến sĩ Shashi Tharpoor, một tác giả kiêm chính trị gia, người đã từng phát biểu nhiều về các vấn đề môi trường, cho biết ông hy vọng đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh. Tiến sĩ cho rằng: “Bầu trời trong xanh hạnh phúc và niềm vui được hít thở bầu không khí trong lành cung cấp một sự tương phản để minh họa những gì chúng ta đối xử với chính bản thân mình trong thời gian qua”. “Hôm nay, AQI dao động xung quanh giá trị 30 và vào một buổi chiều hạnh phúc, sau cơn mưa, nó giảm xuống còn 7.
“7”, tiến sĩ Tharpoor reo lên lần nữa trong sự nghi ngờ. “Tại Delhi! Một niềm vui thuần khiết!”
Chị gái của tiến sĩ Tharoor, Smita, đến thăm Delhi từ Anh ngay trước khi lệnh phong tỏa được áp đặt và hiện đang mắc kẹt tại Delhi cũng vui không kém. Là người mắc bệnh hen suyễn, bà nói rằng không khí thường xuyên ô nhiễm nặng nề tại thành phố này là cơn ác mộng đối với sức khỏe. Nhưng giờ đây: “Không khí trong lành, bầu trời trong xanh. Tôi có thể nhìn thấy sao đêm với tiếng ríu rít hạnh phúc của bầy chim đối với món quà bất ngờ mà chúng nhận được”.
Trong khi từ lâu, các hãng xe hơi quyền lực ở Ấn Độ đã vận động hành lang và không đồng ý ô tô là nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm tại Delhi, Sunita Narain, giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường, phát biểu rằng lệnh phong tỏa và tình trạng ô nhiễm giảm nhanh chóng cho thấy chắc chắn vai trò gây ô nhiễm của các phương tiện trong thành phố.
Narain cũng nhấn mạnh rằng bà mong Delhi sẽ luôn luôn trong lành như thế này, ngoài ra: “Tôi không mong mọi người noi ‘Ồ, các nhà hoạt động môi trường đang ăn mừng lệnh phong tỏa này’, chúng tôi cam đoan rằng chúng tôi không như vậy. Đây không phải là giải pháp. Nhưng dù hiện thực có là thế nào sau COVID-19, chúng ta cũng phải đảm bảo chúng ta có thể hít thở không khí trong lành và suy nghĩ về những nỗ lực nghiêm túc chúng ta cần làm về tình trạng ô nhiễm không khí tại Delhi.
Không chỉ mỗi Delhi được trải nghiệm không khí trong lành nhất trong nhiều năm qua. Vì ô nhiễm không khí giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỉ trong tuần này, cư dân vùng Jalandhar ở Punjab, Ấn Độ thức dậy với một cảnh tượng không thể tin được ở phía xa: Dãy núi Dhauladhar ở Himachal Pradesh. Trong suốt 30 năm qua, đây là lần đầu tiên họ nhìn được đỉnh núi, cách xa 120 dặm (gần 200km).
Sự vắng mặt của những chiếc ô tô trên những con đường tắc nghẽn nhất thế giới dường như đã tạo ra những sự khác biệt đáng kể nhất. Thủ đô Thái Lan, Bangkok, chỉ vừa mới đóng cửa trường học tháng trước do ô nhiễm tồi tệ, đã có sự chuyển biến tương tự trong chất lượng không khí do lệnh phong tỏa cục bộ, chủ yếu nhờ giảm giao thông. “Chúng tôi có thể nhìn thấy một sự khác biệt khá lớn giữa tiêu chuẩn chất lượng không khí mà chúng tôi có (với thời điểm này năm ngoái), giám đốc Greenpeace Thái Lan, Tara Buakamsri cho biết.
Nhưng cư dân Bangkok than phiền rằng những không gian có thể tận hưởng không khí trong lành đang nhanh chóng biến mất. Sân chơi, sân thể thao và thậm chí là công viên, một nguồn vui chơi trong lành hiếm hoi trong môi trường đô thị sầm uất, nhộn nhịp của Bangkok, giờ đây đã bị đóng cửa.
“Tôi cảm thấy buồn cho những người già sử dụng công viên để đi chơi và gặp gỡ bạn bè. Tôi nghĩ rằng họ sẽ rất buồn khi ở nhà”, ông Nantawan Wangudomsuk, 31 tuổi, một nhà sản xuất thường chạy trong công viên nói.
Ở Sao Paulo, thành phố đông dân nhất ở Nam Mỹ, vùng tâm dịch của Brazil, hàng dài xe cộ và không khí dày đặc khói bụi cũng nhường chỗ cho những con đường yên tĩnh và bầu trời trong xanh hơn.
Suốt các giờ cao điểm các ngày trong tuần, cao tốc trên cao João Goulart ở trung tâm thành phố Sao Paulo’s, còn được gọi là Minhocão, Big Worm, thường có giao thông đông đúc với hàng ngàn chiếc xe chen chúc vào bốn làn đường hẹp và các xe máy bấm còi, luồn lách vào từng khoảng trống nhỏ. Nhưng với lệnh phong tỏa thành phố do virus corona, Minhocão giờ giống như đại lộ của thị trấn nhỏ thay vì con đường chính của một đô thị 12 triệu dân.
“Không khí chắc chắn tốt hơn”, ông Daniel Guth, một chuyên gia tư vấn giao thông đô thị cho biết. “Tôi đã cảm thấy sự cải thiện trong chất lượng không khí với tư cách vừa là một người đi xe đạp vừa là một công dân bị cách ly. Chúng ta nên tận dụng điều này như một khoảnh khắc để suy nghĩ về những phương thức vận tải nào nên ưu tiên khi cuộc khủng hoảng này kết thúc”
Mặc dù lệnh phong tỏa vẫn đang tiếp diễn, nhiều người dân Sao Paulo vẫn tìm cách để tận hưởng không khí trong lành hơn bằng cách gõ chảo biểu tình hàng đêm ở cửa sổ và ban công để phản đối Tổng thống cực hữu của Brazil Jair Bolsonaro, người đã nhiều lần coi nhẹ virus corona vì chỉ nó chỉ là “một bệnh cúm nhẹ”.
Bogotá, thủ đô có những dãy núi ngoằn ngoèo của Colombia, cũng thường chìm trong khí thải giao thông nhiều đến mức chính quyền thỉnh thoảng phải cấm xe suốt nhiều ngày. Nhưng kể từ thời gian cách ly trên toàn quốc bắt đầu vào ngày 24/3, khi thải đã giảm khi các hoạt động trong thành phố dừng lại. Bầu không khí trong lành mới này như đang trêu đùa cư dân Bogotá, những người chỉ được phép rời khỏi nhà để lấy thức ăn và thuốc, thậm chí không được tập thể dục ngoài trời hàng ngày. “Không nghi ngờ gì nữa, đại dịch này đang giúp chúng tôi cải thiện chất lượng không khí”, Carolina Urrutia, thư ký môi trường quận Bogotá nói. “Với việc đóng cửa thành phố, chúng tôi có thể tập trung nỗ lực vào các yếu tố môi trường khác”.
Cali, thành phố thứ ba của Colombia và thường xuyên là một đô thị bị tắc nghẽn và ô nhiễm, cũng đã được tránh khỏi các vụ cháy rừng thông thường, giúp cư dân hít thở không khí trong lành hơn. “Đám mây dày lơ lửng trên đầu chúng tôi đã tan đi”. Christian Camilo Villa, một nhà hoạt động trong lĩnh vực chất lượng không khí và cư dân Cali cho biết. “Mối quan tâm đó sẽ trở lại khi lệnh cách li chấm dứt”
Thật vậy, nỗi sợ hãi của các nhà bảo vệ môi trường và người dân là, thay vì cố gắng duy trì mức độ ô nhiễm thấp ở các thủ đô lớn nhất thế giới, khi ngành công nghiệp và ô tô hoạt động lại sau khi dỡ bỏ phong tỏa, tình hình sẽ quay trở lại như cũ, và có lẽ thậm chí có thể tồi tệ hơn, vì người dân và ngành công nghiệp cố gắng bù đắp cho những tháng ngày đã mất.
Các dấu hiệu từ Trung Quốc, nơi đang hồi phục sau đại dịch và dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa, không được tích cực. Bốn tuần đầu tiên sau Tết vào cuối tháng 1, khi dịch ở mức tồi tệ nhất, mức độ ô nhiễm đã giảm 25% trên cả nước. Nhưng kể từ đầu tháng 3, mức độ ô nhiễm nitơ dioxide đã bắt đầu tăng trở lại khi các nhà máy, doanh nghiệp và nhà máy năng lượng mở cửa lại và giao thông trở lại.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho biết: “Câu hỏi lớn là liệu các biện pháp kích thích của chính phủ có dẫn đến mức ô nhiễm vượt quá cả mức trước khi xảy ra đại dịch không, như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008”.
Link bài viết gốc: https://www.theguardian.com/environment/2020/apr/11/positively-alpine-disbelief-air-pollution-falls-lockdown-coronavirus