Khi viết bài này, tôi đang thực hiện lệnh cách ly tại nhà cũng với gia đình tại New York, nơi đang là tâm điểm của đại dịch SARS-CoV-2. Tiếng còi xe cứu thương vang vọng cả ngày lẫn đêm trên những con đường vắng tanh. Bệnh viện bị quá tải bởi quá nhiều ca nhiễm COVID-19 và đang phải chống chọi với sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho các y bác sĩ. Hơn 21000 người Mỹ đã chết vì COVID-19 trong tháng trước, trong đó có 6000 người sống tại New York. Từ giữa tháng ba, do tự lựa chọn hoặc hưởng ứng lệnh cách ly tại nhà, hầu hết người Mỹ đã ở nhà và hạn chế di chuyển khi không cần thiết, các hoạt động công nghiệp cũng như kinh doanh bị đình trệ.
Trong một khu đô thị đông đúc như thế này, hầu hết người dân không có các không gian ngoài trời riêng tư và phải phụ thuộc vào các công viên công cộng để tập thể dục, một cách tăng cường sức khỏe tinh thần đến từ sự kết nối với tự nhiên và không khí trong lành. Những người cẩn thận đang suy nghĩ làm thế nào để duy trì giãn cách xã hội an toàn trong khi chia sẻ không gian ngoài trời hạn chế với những người khác. Các khuyến nghị chính thức của Mỹ đều cho rằng cần duy trì khoảng cách 6ft (gần 2 mét) (1) theo quy tắc ngón tay cái (1) để tránh giọt bắn và hạt nước có khả năng lây nhiễm virus, tuy nhiên những khuyến nghị này dựa trên những quan sát từ những năm 1930s trong môi trường bệnh viện (2). Liệu những khuyến nghị này còn đúng khi áp dụng ở ngoài trời gió hay trong quá trình tập thể dục?
Ở một vài nơi, chúng ta cảm thấy không khí ngoài nhà trong lành hơn trước đại dịch. Lệnh phong tỏa đã làm giảm lượng phát thải chất ô nhiễm liên quan đến hoạt động thương mại và du lịch, nhưng các nguồn gây ô nhiễm không khí khác vẫn ổn định, thậm chí gia tăng. Lượng tiêu thụ điện sinh hoạt đã tăng đáng kể và thói quen tiêu dùng đã thay đổi khi người dân tự cách li tại nhà. Những thay đổi trong phát thải trùng khớp với sự thay đổi khí tượng theo mùa từ đông sang xuân, làm tăng tính phức tạp của việc xác định và diễn giải các xu hướng phát thải từ dữ liệu vệ tinh và mạng lưới giám sát dài hạn. Trong khi chất lượng không khí tại New York tương tự như các năm trước, người dân Los Angeles lại đang tận hưởng không khí trong lành bất thường, kết quả của mưa và việc giảm phương tiện giao thông (3). Tầm nhìn được cải thiện đáng kể tại một vài khu vực ở Ấn Độ, trong khi ở một vài khu vực khác, các hoạt động đốt chất thải nông nghiệp và đốt nhiên liệu rắn để đun nấu trong sinh hoạt đã khiến nồng độ bụi mịn ở mức cao, bất chấp lệnh phong tỏa (4). Phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong thời gian dài có liên quan đến nhiều bệnh như hô hấp, tim mạch, tiểu đường, có thể gây biến chứng cao nếu nhiễm COVID-19. Phân tích dữ liệu của Ý (5) và Mỹ (6) đã bắt đầu cho thấy mối liên hệ giữa phơi nhiễm bụi PM2,5 và COVID-19.
Bất chấp bất cứ thời kì trong lành nào mà chúng ta có được trong thời gian phong tỏa, sự ô nhiễm được dự đoán sẽ sớm quay lại khi các nền kinh tế mở cửa và các hoạt động gây ô nhiễm quay trở lại. Cục Môi trường Mỹ EPA đã nới lỏng việc thực thi các quy định môi trường trong suốt cuộc khủng hoảng (7) và không rõ là khi nào các quy định này sẽ được khôi phục như trước. Các nguồn gây ô nhiễm khác cũng có thể vượt mức trước đại dịch. Ví dụ, cho đến gần đây, việc đi lại bằng hệ thống tàu điện ngầm New York (MTA) với 5 triệu hành khách mỗi ngày là một phần nhịp sống của New York và dấu ấn của thành phố bền vững. Nhiều người không muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì lo sợ lây nhiễm SARS-CoV-2, thay vào đó họ sẽ phụ thuộc vào các phương tiện giao thông gây ô nhiễm hơn.
Mặt khác, yêu cầu làm việc tại nhà và hạn chế toàn cầu đối với việc đi công tác đã tạo nên một sự điều chỉnh về mặt văn hóa và kỹ thuật nhằm hợp tác và kết nối thông qua họp trực tuyến. Chúng ta có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này với một tiêu chuẩn cao hơn nhiều đối với việc bay đường dài để họp. Các chính sách làm việc tại nhà linh loạt, ngoài việc giúp hỗ trợ giãn cách xã hội trong tương lai còn giúp giảm tắc nghẽn và giảm phát thải từ giao thông.
Để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh rằng cộng đồng khoa học khí quyển Mỹ, bao gồm nhiều tác giả của Hóa học Trái Đất và Không gian ACS đã nhanh chóng thích ứng và đang đóng góp nhiều phương thức giá trị cho các nhóm liên ngành nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhóm sol khí đã dùng kiến thức chuyên môn và thiết bị phòng thí nghiệm để thử nghiệm vật liệu sử dụng trong khẩu trang tự chế để đánh giá khả năng ngăn chặn việc lây truyền của các giọt bắn và việc hít phải các sol khí (8). Nhiều người khác đã tham gia vào việc kiểm nghiệm hiệu quả của mặt nạ phòng độc N95 sau khi chúng đã được khử trùng để tái sử dụng, hay vào việc sản xuất quy mô nhỏ các đồ bảo hộ cá nhân như khiên che mặt. Các nhà khoa học sol khí cũng đang đóng góp ý kiến cho các cuộc thảo luận về sol khí hô hấp và sự lan truyền trong không khí của Sars-CoV-2 trong và ngoài nhà (9). Các chuyên gia về chất lượng không khí và khí hậu đã chia sẻ các góc nhìn với giới truyền thông, thảo luận các bằng chứng về tác động của lệnh phong tỏa đối với môi trường và mối quan hệ với chính sách môi trường trong tương lai. Cuối cùng, khi các học giả nhanh chóng thích nghi với quá trình giáo dục trực tuyến, các nhu cầu và mối quan tâm mới của học sinh, nhiều người đã phát triển và chia sẻ rộng rãi các tài liệu giáo dục trực tuyến. Dù hiện tại chúng ta vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng thật là phấn khởi khi nhìn thấy cộng động xích lại gần nhau trong thời điểm cấp thiết này.
Nguồn tham khảo: https://pubs.acs.org/doi/pdf/10.1021/acsearthspacechem.0c00093?fbclid=IwAR1LQ148yK8ZeSEtpweAFuIeiIPxL5iSMCfM8Eq6If4qKTrO-uHGICavZsg