Theo báo cáo cập nhật của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, tính đến hết quý III/2021 còn khoảng 450 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 54.042 bếp (giảm 99,17 %) so với kết quả điều tra, khảo sát ban đầu năm 2017, và 91% so với khảo sát đầu năm 2019.
1. Kết quả thực hiện đến hết Quý III năm 2021 của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ
Theo báo cáo “Kết quả thực hiện tính đến hết Quý III năm 2021 Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn Thành phố” của 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, trong đó:
-
Nhóm 1: (xóa bỏ 100% bếp than tổ ong) gồm 19 quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Cầu Giấy, Long Biên, Phú Xuyên, Sơn Tây, Đông Anh, Phúc Thọ, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì.
-
Nhóm 2: (xóa bỏ >90%) gồm 09 quận, huyện: Mê Linh, Quốc Oai, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm
-
Nhóm 3: (xóa bỏ <90%) gồm 01 quận: Hà Đông.
-
Nhóm 4: huyện tái sử dụng bếp than tổ ong: Thạch Thất.
Song song theo Báo cáo giám sát của cộng đồng sử dụng Bản đồ Google về các điểm sử dụng bếp than tổ ong, tính đến thời điểm tháng 11/2021, số lượng bếp than tổ ong 10 Quận nội thành đã giảm 61% so với tháng 04/2021. Trong đó, nhóm 5 Quận nôi thành có tỷ lệ giảm cao nhất bao gồm Ba Đình (90%), Hoàn Kiếm (78%), Cầu Giấy (75%), Tây Hồ (73%), và Hai Bà Trưng (55%). Báo cáo lấy dữ liệu thực tế từ bản đồ theo dõi bếp than tổ ong – nền tảng trực tuyến này đã được Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng Đồng (Live & Learn) và các Tình nguyện viên xây dựng nhằm theo dõi việc sử dụng bếp than tổ ong trong thực tế. Các dữ liệu trên bản đồ được người dân cung cấp thông tin bằng cách chụp ảnh và nhập các địa chỉ hiện vẫn đang sử dụng than tổ ong. Các dữ liệu trong 03 đợt khảo sát (Tháng 12/2020, Tháng 04/2021 và Tháng 11/2021) được thể hiện tại: https://bit.ly/BandoThantoong. Theo đó, các điểm đỏ trên bản đồ (bao gồm hình ảnh, địa chỉ cụ thể) là những nơi vẫn sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và/hoặc kinh doanh dịch vụ, điểm xanh là những nơi đã sử dụng bếp than ở thời điểm khảo sát lần 1 và đã xóa bỏ vào thời điểm khảo sát lần 2 và lần 3.
Xem chi tiết sự thay đổi số lượng bếp than tổ ong của 10 Quận nội thành từ tháng 04/2021 đến tháng 11/2021 tại đây.

2. Các nỗ lực tập thể giảm thiểu bếp than tổ ong, cải thiện chất lượng không khí
Đạt được kết quả như trên là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo từ thành phố tới các quận/huyện/thị xã. Và đặc biệt, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân từ nhận thức tới hành động đã giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ bếp than tổ ong được thực hiện triệt để, số lượng bếp than giảm đi rõ rệt. Bên cạnh đó, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể và tổ chức phi chính phủ trong nước trong việc nâng cao năng lực thực thi, giới thiệu các giải pháp chuyển đổi sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường;

