Một trong những vấn đề xã hội nổi cộm tại các thành phố lớn trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như xây dựng, công nghiệp, sinh hoạt,… trong đó giao thông là một trong những nguyên nhân chính.
Buổi tọa đàm thảo luận về khí thải xe máy – một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn. Để giải quyết vấn đề này cần đưa các biện pháp để kiểm tra và bảo dưỡng xe máy. Việc này không chỉ giúp nâng cao tuổi thọ của xe mà còn gián tiếp góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cụ thể theo nghiên cứu từ những đợt khám và bảo dưỡng xe máy trước đây, quá trình bảo dưỡng thay lọc gió, dầu bôi trơn và bugi cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%. Tuy nhiên, đại bộ phận người tham gia giao thông chưa nhận thức sâu sắc về việc kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như ảnh hưởng của khí thải từ giao thông đối với sức khỏe con người.
Với chủ đề quản lý khí thải xe máy, Live & Learn đã mời đến tòa đàm bác Hoàng Thị Thanh Tâm, là tài xế xe ôm đã được 13 năm để chia sẻ câu chuyện sử dụng xe máy hằng ngày của mình. Cùng với bác Tâm tài xế xe máy, Thế Hệ Xanh cũng mời đến tọa đàm 2 chuyên gia là Th.S Vũ Tuấn Anh và Th.S Trịnh Thị Bích Thủy.
Theo Th.S Vũ Anh Tuấn, xe máy có nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu di chuyển của người dân Việt Nam như chi phí để sở hữu một chiếc xe máy rẻ, so với ô tô thì chỉ bằng 1/10 giá tiền, đồng thời chi phí duy trì không cao và phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Ngoài ra, với quy hoạch như hiện nay, xe máy có khả năng di chuyển đến mọi nơi trên thành phố, điều mà xe buýt hay ô tô khó có thể làm được.
Th.S Trịnh Thị Bích Thủy cũng bổ sung, ngoài những điều mà Th.S Vũ Anh Tuấn đã nêu, các cơ sở hạ tầng của Hà Nội rất phù hợp cho xe máy như: dễ dừng đỗ xe, chưa có chính sách kiểm định, phương tiện công cộng ở Việt Nam chưa phát triển để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tính kết nối của các hình thức vận tải công cộng chưa có nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Th.S Vũ Anh Tuấn, vì 90% nhu cầu đi lại của người dân được đáp ứng bằng xe máy nên tỉ lệ phát thải của xe máy cũng cao. Xe máy chiếm 80-90% tổng phát thải CO2 của ngành giao thông đường bộ. Ngoài CO2, còn các chất khác như khói, bụi. Tuy nhiên, nhìn vào con số tuyệt đối thì phát thải xe máy có thể mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng nếu nhìn về tính tương đối, ví dụ như phát thải trên một chuyến đi, thì xe máy phát thải HC và CO ít hơn 5 lần so với ô tô.
Với tình hình phát triển ở Việt Nam hiện nay, chưa thể loại bỏ hoàn toàn xe máy được. Vì vậy, trong thời điểm này, cần có phương án kiểm soát khí thải phù hợp.
Theo Th.S Vũ Anh Tuấn, tại Việt Nam đã có nghiên cứu của các trường đại học, tổ chức nước ngoài về khí thải xe máy. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình kiểm định thử nghiệm cho mô tô và xe gắn máy tại các đại lý xe máy lớn. Ngoài ra, Quyết định 16 của Bộ giao thông vận tải quy định ô tô sản xuất mới phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, phương tiện đang lưu hành cần đạt tiêu chuẩn, nếu không sẽ phải đi bảo dưỡng. Còn với xe máy thì tại Việt Nam tiêu chuẩn sản xuất mới là Euro 3 vào năm 2017 và chưa có văn bản pháp quy nào cho các phương tiện đang lưu hành.
Th.S Vũ Anh Tuấn cũng chỉ ra ở một nghiên cứu gần đây, việc không bảo dưỡng xe thường xuyên có thể gây ra phát thải lớn gần 02 lần so với xe được bảo dưỡng thường xuyên.
Chính sách kiểm tra – kiểm soát khí thải trên thế giới cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia. Tại các nước như Ấn Độ, Thái Lan, sức ép kiểm soát khí thải rất lớn và họ đã có biện pháp kiểm soát từ năm 1998 – 1999. Để đảm bảo hiệu quả chính sách, họ đã tiếp cận đồng thời trên 03 phương diện:
- Có chế tài, luật lệ, quy định, tiêu chuẩn và đưa thông tin cho người dân và cuối cùng là xây dựng lộ trình thực hiện;
- Có chính sách hỗ trợ để người dân xem xét khả năng tiếp cận đối với những chính sách của chính phủ; đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện ít gây ô nhiễm không khí hơn nếu có thể;
- Lôi kéo sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị tư nhân để nâng cao năng lực và hỗ trợ cho người dân.
Th.S Trịnh Thị Bích Thủy đã giới thiệu các trường hợp cụ thể từ các nước như Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ để chúng ta có thể xem xét và áp dụng cho Việt Nam theo hướng chi phí thấp mà hiệu quả cao. Việt Nam đang đi theo con đường mà Thái Lan đi, như thực hiện khám xe máy thí điểm ở một số thành phố lớn. Hiện nay việc này đã được triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh và sắp mở ra cho Hà Nội, tiếp đến sẽ đến các thành phố khác. Tuy nhiên, cũng có thể chính sách của Đài Loan phù hợp cho Việt Nam hơn vì dữ liệu của Đài Loan rất tốt.
Mỗi cá nhân đều có thể hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, phát thải từ xe máy bằng cách cân nhắc lại nhu cầu đi lại và sử dụng phương tiện phù hợp như đi bộ, đi xe đạp với quãng đường ngắn. Ngoài ra cũng nên lựa chọn hãng sản xuất để đảm bảo vấn đề phát thải, và bảo dưỡng xe theo đúng khuyến nghị của nhà sản xuất, bảo dưỡng ở đúng hãng sản xuất.
Các diễn giả cũng đồng ý với việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe để đảm bảo an toàn và giảm phát thải. Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải đã được thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới có sự tham gia của rất nhiều đại lý và hãng xe, với sự đồng hành của chính quyền địa phương. Chương trình này rất cần sự tham gia từ phía người dân để chính quyền có thể làm các nghiên cứu về khí thải xe máy, từ đó đưa ra chính sách phù hợp.