14h00, ngày 17 tháng 03 năm 2018, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức Tọa đàm “Ô nhiễm môi trường đô thị và sức khỏe cộng đồng” tại Hội trường lớn của L’Espace, số 24, Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là buổi chia sẻ cởi mở và hữu ích về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, những giải pháp một cộng đồng có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình đồng thời góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm không khí ở các đô thị.

Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của 4 vị khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, y tế và quản lý nhà nước:

  • TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường;
  • PGS. TS. Vũ Văn Giáp – Tổng thư ký Hội hô hấp Việt Nam; PGĐ Trung tâm Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai;
  • TS. Nguyễn Văn Sơn – Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế;
  • TS. Trần Thị Tuyết Hạnh – Giảng viên môn Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế Công Cộng.

Buổi tọa đàm đã đưa đến cho người tham dự một cái nhìn rõ ràng về tình trạng ô nhiễm không khí tại đô thị, nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó khách mời và người tham dự đã cùng nhau thảo luận về những giải pháp để hạn chế ô nhiễm cũng như cách bảo vệ bản thân, gia đình trước tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng.

Tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ: Tác nhân gây ô nhiễm không khí tại đô thị (cụ thể là Hà Nội) chủ yếu do các hoạt động giao thông (chiếm khoảng 70%), công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp nội đô ngày càng nhiều; hoạt động đun nấu, sinh hoạt sử dụng bếp than của dân cư; quá trình xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành như đốt rác, đốt rơm rạ…

Chia sẻ sâu hơn, các chuyên gia khẳng định: Những hoạt động nói trên đều góp phần tăng nồng độ bụi trong không khí ở đô thị, đặc biệt là ở các trục giao thông chính. Bụi mịn kích thước 2.5 và 10 micrômét (PM2.5 và PM10) có khả năng đi sâu vào cơ thể, lắng đọng trong phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Không chỉ người bệnh, mà cả người có sức khỏe tốt cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp: gây phản ứng viêm, tổn thương phổi, tắc nghẽn mạch mãn tính. Bụi mịn cũng có thể xâm nhập hệ tuần hoàn gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hệ tạo máu làm giảm miễn dịch cơ thể, đặc biệt nguy hiểm đối với những nhóm đối tượng dễ tổn thương như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, hay những đối tượng người có bệnh lý về hô hấp.

Bên cạnh đó, các diễn giả và khán giả cũng chia sẻ với nhau về những giải pháp để khắc phục vấn đề trên. Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước cần áp dụng triệt để các quy chuẩn trong hoạt động sản xuất, giao thông, Về cá nhân, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm, tăng cường hành động cải thiện không khí và cùng nhắc nhở nhau từ những việc rất nhỏ như: không hút thuốc lá, tắt máy khi dừng xe, vận động bà con không đốt rơm rạ, không dùng bếp than tổ ong,… Đồng thời, chúng ta nên tăng cường hoạt động thể chất; theo dõi thường xuyên trên Internet các thông tin về cường độ tia cực tím và chỉ số chất lượng không khí AQI ở gần nơi sinh sống.

Qua những nội dung này, khán giả đã có được những kiến thức quan trọng, thiết thực về ô nhiễm không khí, các chỉ số đánh giá và ảnh hưởng của ô nhiễm tới sức khỏe cộng đồng. Những chia sẻ của các vị khách mời đã giúp người nghe có cái nhìn đúng đắn hơn về một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay, đồng thời biết mình cần hành động như thế nào để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x