Năm 2018 có thể nói là một năm mà câu chuyện rác thải nhựa luôn là một tâm điểm trên các phương tiện truyền thông. Và những ngày đầu năm 2019 này, mùa đông Hà Nội lại đang nóng lên với câu chuyện bãi rác Nam Sơn.
Nhựa hay vấn nạn ô nhiễm trắng chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm khổng lồ của rác và hành vi tiêu dùng. Liệu chúng ta cần bao nhiêu nhà máy xử lý rác, công nghệ hiện đại hay các vật liệu thay thế nhựa như thế nào? Một chai nhựa, một cục pin, một hộp sữa… sẽ đi đâu sau khi chúng ta sử dụng? Chúng ta có thể làm gì?
Để trả lời những câu hỏi đó, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường & Cộng đồng Live&Learn tổ chức buổi tọa đàm “Đời của Nhựa” nhằm giúp khán giả có cái nhìn đa chiều hơn về nhựa, về rác và vòng đời của một sản phẩm. Trong không khí một năm mới đang bắt đầu, tọa đàm cũng là nơi người tham gia cùng nhìn lại những nỗ thay đổi trong quá trình xử lý rác và thực hành xanh đang diễn ra trong cộng đồng.
Buổi tọa đàm được tổ chức vào ngày 26/01/2019 tại Phòng hội trường lớn, Tầng 2, Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền; với sự tham gia của các diễn giả:
- Chị Huỳnh Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc công ty Môi trường Đô thị Gia Lâm;
- Chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM – đại diện nhóm NHC với câu chuyện Thu gom Vỏ hộp sữa giấy;
- Chị Lê Hoàng Phương, Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông Vận tải – Thành viên Nhóm Thu gom rác Thải điện tử; và
- Chị Nguyễn Thị Thịnh, Công nhân môi trường (Thu gom ve chai, đồng nát).
Ngoài chia sẻ của các diễn giả, “Chúng ta có thể làm gì, và làm gì nữa?” sẽ là câu hỏi mà mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng có thể tự đặt ra và tìm kiếm câu trả lời cho mình. Tọa đàm hi vọng năm 2019 sẽ có sự lan tỏa sâu sắc hơn trong các hoạt động môi trường và sức khỏe.
Chương trình do Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường & Cộng đồng Live&Learn tổ chức; với sự đồng hành của Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ Việt Nam Viet Nam Youth Parliament (VNYP). Sự kiện do Trung tâm Văn hóa Pháp hỗ trợ và nằm trong khuôn khổ Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch – thành phố xanh” nhằm tăng cường các sáng kiến và giải pháp chung tác động tới đối tượng hưởng lợi là trẻ em, thanh niên, cộng đồng dân cư, đặc biệt là người chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nói chung tại thành phố Hà Nội, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.