Những năm gần đây, trong nỗ lực giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí tại Hà Nội, các hoạt động nghiên cứu chất lượng không khí đang ngày càng được đẩy mạnh nhờ sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, viện nghiên cứu và các bên liên quan. Đặc biệt, việc áp dụng các phương pháp, công nghệ mới như mô hình tính toán bụi PM2.5 bằng sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh đang được ứng dụng nhằm giải quyết vấn đề mà trạm quan trắc mặt đất chưa đáp ứng đủ dữ liệu như số lượng trạm không đủ hay chi phí vận hành cao.
Nhằm hỗ trợ Hà Nội trong việc xây dựng kế hoạch địa phương giảm thiểu bụi PM2.5, từ tháng 2/2020 Đại học Y tế Công cộng kết hợp cùng Đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường và tổ chức Live & Learn đang cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động sức khỏe từ bụi PM2.5 qua mô hình viễn thám và đánh giá gánh nặng bệnh tật. Hoạt động này là cần thiết nhằm đưa ra các cơ sở bằng chứng khoa học cho việc tính toán kế hoạch hành động cho các quận huyện khi triển khai các hoạt động giảm thiểu bụi PM 2.5. Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 qua việc sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao để tính toán nồng độ bụi PM2.5 cho các khu vực quận/huyện trên địa bàn Hà Nội cho năm 2019. Sau khi có cơ sở dữ liệu phát thải bụi PM2.5, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đánh giá về gánh nặng bệnh tật và tử vong do bụi PM2.5 qua số liệu các ca nhập viện và tử vong trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu này sẽ góp phần hỗ trợ các quận huyện xây dựng kế hoạch địa phương khi đưa ra các kịch bản giảm thiểu các hoạt động gây phát thải PM2.5, đánh giá các lợi ích về mặt sức khỏe khi áp dụng các biện pháp cải thiện này để địa phương đưa ra kế hoạch một cách có thực tiễn và hiệu quả.
Hoạt động nghiên cứu sẽ diễn ra cho đến tháng 1/2021 hứa hẹn đem lại các kết quả và tín hiệu tích cực cho thấy sự đồng hành của các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trong việc giảm thiểu các tác động của Ô nhiễm không khí và nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân.