Hội thảo là hoạt động phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước với mục tiêu nâng cao vai trò và tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý môi trường các cấp với các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường.

Chiều ngày 27 tháng 11 năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng dự án Quản lý Chất lượng Không khí của Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Trung tâm Sống, học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác giữa các bên liên quan trong cải thiện chất lượng không khí Thành phố Hà Nội”, thu hút sự tham gia của hơn 150 chuyên gia từ các cơ quan quản lý môi trường, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

Ô nhiễm không khí đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với người dân Hà Nội. Theo thống kê năm 2018, dân số Hà Nội đã đạt 8 triệu người, với 6 triệu xe máy và 600.000 ô tô, kèm theo sự bùng nổ của các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và lượng tiêu thụ điện và xăng lên tới hàng triệu kilowatt giờ và lít mỗi ngày. Tình trạng này đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí của thành phố. Trước thực trạng đó, hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác đa bên và giới thiệu các sáng kiến, thực hành hướng tới cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc thiết lập các trạm quan trắc không khí và đăng tải thông tin lên cổng giao tiếp điện tử của thành phố. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động.

Trong phần đầu hội thảo, đại diện và chuyên gia từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp đã chia sẻ về tổng quan các vấn đề trong quản lý chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội, bao gồm phương pháp tăng cường quản lý chất lượng không khí trong chính sách môi trường; các giải pháp và mạng lưới Không khí sạch – Thành phố xanh; và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác cải thiện chất lượng không khí Việt Nam và thành phố Hà Nội.

Ở phần tiếp theo, nội dung thảo luận tập trung vào các sáng kiến và kinh nghiệm thực tiễn về cải thiện chất lượng không khí, như hệ thống giám sát chất lượng không khí; việc tích hợp quản lý chất lượng không khí vào quy hoạch môi trường cấp phường – xã; các giải pháp hạn chế bếp than tổ ong; và các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ: trồng nấm rơm.

Trong khuôn khổ của hội thảo, “Triển lãm 25 giải pháp Không khí sạch – Thành phố xanh” cũng được thực hiện để trưng bày, giới thiệu các ý tưởng và thực hành thuộc 5 nhóm giải pháp chính: (1) Ô nhiễm không khí (giáo dục và khoa học); (2) Quản lý rác thải; (3) Quy hoạch đô thị (giao thông, kiến trúc, xây dựng, v.v.); (4) Năng lượng; và (5) Sống xanh – Tiêu dùng an lành.

Triển lãm không chỉ tạo ra không gian để các đơn vị trong lĩnh vực quản lý chất lượng không khí và bảo vệ môi trường giới thiệu về những giải pháp mang tính đột phá, các thực hành xanh và các sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn đem lại cơ hội kết nối và trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp và thực hành hướng tới cải thiện chất lượng không khí giữa đơn vị tham gia triển lãm và người tham dự.

Cụ thể là, những người tham dự đã tích cực trao đổi ý tưởng, thông tin và kinh nghiệm với các đơn vị tham gia triển lãm, đưa ra phản hồi để cải thiện hiệu quả và chất lượng của mỗi thực hành và sản phẩm, cũng như đề xuất hợp tác và nhân rộng. Sau sự kiện, các đơn vị tham gia triển lãm chia sẻ rằng đây là cơ hội đáng quý để những thực hành, sản phẩm của họ được biết tới nhiều hơn và đánh giá cao những phản hồi và đề nghị hợp tác từ những người tham dự hội thảo.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án KHÔNG KHÍ SẠCH – THÀNH PHỐ XANH: Kết nối để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp bảo vệ sức khỏe và chất lượng không khí.

 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x