Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả cộng đồng. Từ ý tưởng bảo vệ môi trường, Dự án Không khí sạch – Thành phố xanh do Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện, đã kết nối các tổ chức, cá nhân đang hoạt động vì môi trường chung sức bảo vệ, giữ gìn không gian sống trong lành cho thành phố.

Sáng ngày 07 tháng 06 năm 2018, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (DONRE) tổ chức Hội thảo “Không khí sạch – Thành phố xanh – Cùng hành động để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội”, thu hút sự tham gia của hơn 100 chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.

Mục đích của buổi hội thảo là thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia và tăng cường thảo luận về những mô hình hợp tác hiệu quả nhằm nâng cao quản lý chất lượng không khí trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng thông qua việc xây dựng và triển khai các giải pháp khả thi hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Hội thảo cũng là một hoạt động then chốt của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho Liên minh về quản lý chất lượng không khí và bảo vệ môi trường tại Hà Nội.

Hội thảo bao gồm các bài thuyết trình và trao đổi nhóm nhỏ nhằm giúp cho tất cả người tham gia vào quá trình thảo luận thực tế. Các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chính sách, các cán bộ nhà nước và các tổ chức xã hội đã có đóng góp ý kiến để cung cấp cái nhìn sâu sắc về các yếu tố hiện đang gây ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn trên khắp Việt Nam, phương pháp đánh giá các giải pháp kỹ thuật và xã hội và các rào cản chính đối với chính phủ, các tổ chức và cá nhân.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chia sẻ rằng giao thông được coi là nguồn ô nhiễm không khí chính, bên cạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng và các bãi chôn lấp chất thải rắn. Bà Lê Thanh Thủy cũng cho biết thêm rằng, để kiểm soát chất lượng không khí, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thiết lập các trạm quan trắc không khí và cập nhật số liệu kịp thời trên nhiều kênh thông tin đại chúng, song song với việc rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý chất lượng không khí, giám sát, kiểm soát các cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live & Learn, nhấn mạnh mục tiêu của Dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh” là nhằm tăng cường kết nối giữa các bên liên quan thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội và thúc đẩy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường. Dự kiến sẽ có hơn 100.000 người dân và học sinh được nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí cùng các vấn đề sức khỏe liên quan thông qua các chương trình giáo dục và chiến dịch truyền thông sáng tạo về ô nhiễm không khí.

Hội thảo đã thu được những phản hồi rất tích cực từ những người tham dự. Cụ thể là, các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng giá trị lớn nhất mà buổi hội thảo đem lại là cơ hội phối hợp cùng với những cá nhân và tổ chức có chung mục tiêu từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ hội kết nối và học hỏi lẫn nhau, cũng như cơ hội hiểu thêm về các giải pháp trong sáu lĩnh vực chính là (i) sức khỏe, ( ii) quản lý chất thải, (iii) năng lượng, (iv) quy hoạch và giao thông đô thị, (iv) phối hợp với cộng đồng, (v) phong cách sống xanh, và (vi) huy động nguồn lực.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án KHÔNG KHÍ SẠCH – THÀNH PHỐ XANH: Kết nối để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp bảo vệ sức khỏe và chất lượng không khí.

 

 

 

 

 

 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x