Sáng ngày 01/04/2022, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, UBND Huyện Đông Anh phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức chương trình tham quan học hỏi mô hình phân loại và xử lý rác tiêu biểu tại Đông Anh với sự tham gia của hơn 70 đại biểu đại diện Chi cục BVMT Hà Nội, phòng TNMT, ban QLDA của 23 quận/huyện trên địa bàn Hà Nội, cùng Hội Phụ nữ Huyện, Hội Nông dân, các hội đoàn thể, lãnh đạo các xã tại Đông Anh.

Để giảm áp lực tại các bãi chôn lấp tập trung và chấm dứt tình trạng đốt rác, đồng thời chuẩn bị cho những đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình phân loại rác thải tại nguồn. Đông Anh là một trong những huyện tiên phong tiến hành thí điểm chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà từ đầu năm 2021.

Ngày 01/04 vừa qua, Live&Learn phối hợp Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Chương trình tham quan học hỏi mô hình phân loại và xử lý rác huyện Đông Anh nhằm mục đích: (1) Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ trên địa bàn huyện; (2) Nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố; (3) Thảo luận về kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn của Thành phố và tại các Quận Huyện trong thời gian tới.

Tham dự sự kiện có bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TNMT Hà Nội; ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng TNMT huyện Đông Anh; Bà Ngô Thị Hằng – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện Đông Anh, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng đại diện Phòng TNMT, Ban QLDA thuộc các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội và đại diện Học viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Theo báo cáo kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh của Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình. Trong đó có 3 xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng) đã triển khai 100% các thôn trong xã, 20 xã và thị trấn còn lại triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).

Chương trình đã tạo điều kiện cho người tham gia được trực tiếp quan sát các mô hình từ xử lý tại hộ gia đình, xử lý theo cụm, xử lý rác ở chợ/chùa thuộc 4 xã Cổ Loa, Dục Tú, Liên Hà, Mai Lâm của huyện Đông Anh, đồng thời gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ đại diện các cán bộ địa phương, nhóm nòng cốt về kinh nghiệm phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các mô hình. Sau đó, các đại diện họp trao đổi trong buổi Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác tại Đông Anh. Tại đây, hơn 70 đại biểu đại diện phòng TNMT, ban QLDA của 23 quận/huyện trên địa bàn Hà Nội, cùng Hội Phụ nữ Huyện, Hội Nông dân, các hội đoàn thể, lãnh đạo các xã tại Đông Anh, các đơn vị báo chí đã cùng nhau thảo luận và đặt câu hỏi cho các cán bộ và nhóm nòng cốt trực tiếp thực hiện chương trình phân loại và xử lý rác thành công tại huyện Đông Anh. Đại diện các quận/huyện tham gia hội thảo đã tích cực trao đổi và bày tỏ sự quan tâm về quá trình triển khai xử lý rác tại nguồn của Đông Anh. Bà Trịnh Thị Minh Phương – Phòng TNMT quận Hoàn Kiếm rất ấn tượng với kết quả giảm rác tại Đông Anh lên tới 50-70% cùng với sự tham gia tích cực của nhóm nòng cốt tại thôn Nghĩa Vũ khi được đi thực địa tại mô hình của địa phương này và bày tỏ muốn học hỏi kinh nghiệm từ Đông Anh cho quận mình. Các quận/huyện khác, tiêu biểu là Ba Vì, chia sẻ sẽ sẵn sàng thực hiện chương trình giảm rác, đồng thời mong muốn huyện Đông Anh hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và Chi cục, các tổ chức có giải pháp cùng phối hợp thực hiện. 

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội cho biết: “Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại huyện Đông Anh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày. Còn kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác phải mang tới bãi tập trung”.

Là một trong những địa phương được thí điểm đầu tiên cho chương trình, đại diện xã Dục Tú chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu triển khai mô hình tại địa phương: “Khó nhất là làm sao để vận động người dân thay đổi từ thói quen vứt rác hằng ngày thành thói quen phân chia rác thành ba loại. Công tác đầu tiên là cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân. Thứ hai, một số lãnh đạo thôn chưa thực sự vào cuộc nên chúng tôi vẫn cần kiểm tra, đôn đốc. Thứ ba, nhiều nhà dân còn gặp khó khăn trong việc chọn được vị trí hợp lý để đặt thùng/hố ủ. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này đối với từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân tận dụng các thùng sơn, thùng xốp đựng hoa quả, khoan lỗ để thoát nước rỉ rác. Ngoài ra, trong quá trình triển khai cũng có những người thực hiện không thành công, bị nản lòng. Do đó, chúng tôi phải đồng hành, giám sát và động viên để họ tiếp tục thực hiện, thành công và lan tỏa cho người khác.”

Bà Ngô Thị Hằng – Phó Chủ tịch Hội LHPN Huyện Đông Anh cho biết: “Chúng tôi tham vấn các bên và phối hợp với Phòng TNMT chọn những địa phương có thành viên tích cực và có sự đồng thuận của chính quyền địa phương. Chúng tôi không chỉ làm riêng nguyên Hội Phụ Nữ mà còn tham mưu cho các đồng chí là trưởng thôn, bí thư, hội nông dân, cựu chiến binh và đoàn thành niên cùng đồng hành. Với sự đồng hành của Trung tâm Live&Learn, Cpart và Phòng TNMT, chúng tôi chia ra thành nhóm nhỏ để triển khai. Ngoài ra, trong các kỳ sinh hoạt, Hội Phụ Nữ cũng kết hợp lồng ghép, tuyên truyền về mô hình giảm rác để những người chưa thực hiện sẽ có cảm nhận về hành động này.”

Trong thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng chương trình Thu gom, phân loại và xử lý rác ra toàn huyện. Mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt 50% số hộ tham gia. Thành công trong công tác quản lý rác tại huyện Đông Anh với sự ủng hộ tích cực của người dân địa phương, chung tay của chính quyền địa phương và các bên liên quan từ cá nhân, tổ chức chuyên môn, các công ty giải pháp,… rất đáng để các quận huyện khác cũng như thành phố học hỏi và nhân rộng.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x