1. Bản đồ Bếp than tổ ong tại Hà Nội
Hình ảnh bản đồ than tổ ong tại Hà Nội
Bản đồ được xây dựng bởi Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng, tình nguyện viên, cộng tác viên cộng đồng và Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội nhằm thống kê và theo dõi việc sử dụng than tổ ong vốn được coi là 1 trong 12 nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Bản đồ này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về các điểm sử dụng/sản xuất than tại các quận/huyện (vị trí, số lượng, đặc điểm hộ gia đình/kinh doanh/sản xuất than tổ ong và hình ảnh thực tế) với sự tham gia đóng góp dữ liệu từ cộng đồng.
Tính đến tháng 12/2020, bản đồ có dữ liệu 2535 điểm sử dụng chủ yếu tại các quận nội thành Hà Nội. Khi bấm vào vị trí đánh dấu trên bản đồ sẽ hiện ra các nội dung gồm: hình ảnh bếp than, địa chỉ, số lượng/quy mô sử dụng, đặc điểm kinh doanh/hộ gia đình/sản xuất).
Theo CT15/UBND ban hành ngày 30/10/2019, yêu cầu đến ngày 21/12/2020 trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Vì vậy việc sử dụng bản đồ giám sát này không chỉ giúp các đơn vị theo dõi được hiện trạng sử dụng than trên địa bàn mà còn giúp người dân chia sẻ thông tin để góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội.
Truy cập bản đồ và đóng góp dữ liệu tại: https://bit.ly/BandoThantoong
2. Bản đồ các nhà máy và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm không khí
Hình ảnh bản đồ nhà máy và làng nghề tại Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm không khí
Bản đồ được xây dựng bởi Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) trên nền tảng đánh dấu trên Google Map và cung cấp những thông tin cơ bản (vị trí, công suất, quy mô…) của một số ngành công nghiệp và làng nghề vốn được xem là một trong những nguồn thải quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí từ bắc vào nam.
Bản đồ hiển thị các dữ liệu công khai từ trước đến nay về các nhà máy nhiệt điện than (29 nhà máy), nhà máy thép (36 nhà máy), nhà máy xi măng (62 nhà máy) và làng nghề tái chế (21 làng nghề).
Khi ấn vào vị trí từng nhà máy, trên bản đồ sẽ hiện ra các nội dung gồm: Tên, Đơn vị chủ quản, Năm hoạt động, Vị trí, Sản phẩm và Công suất hằng năm (nếu có).
Truy cập bản đồ tại: http://bit.ly/BandoNhamay
Những bản đồ này được sử dụng để nhằm thống kê, giám sát những nguồn thải gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và các đối tác nằm trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì không khí sạch” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
3. Hệ thống theo dõi điểm đốt của ASMC (Asian Specialized Meteorological Centre)
Hệ thống theo dõi điểm đốt được ASMC tích hợp trên nền tảng bản đồ Google Map, cung cấp vị trí điểm đốt với thời gian được cập nhật theo ngày. Các điểm đốt (màu đỏ) được trích xuất từ vệ tinh NOAA, đại diện cho các vị trí có thể có hỏa hoạn đang hoạt động. Thời gian các hoạt động đốt được mô tả có thể lệch so với thời gian thực tế, do dữ liệu cần được biên tập và xử lý để đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Hệ thống này là nguồn thông tin hữu ích giúp các nhà quản lý giám sát được hoạt động đốt đang có tại địa phương. Tại Việt Nam, dữ liệu các điểm đốt được cập nhật theo ngày trên khắp các tỉnh thành không chỉ hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ rừng mà còn giúp phát hiện các khu vực có hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải khác, từ đó góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Truy cập hệ thống theo dõi điểm đốt của ASMC tại: http://asmc.asean.org/asmc-hotspot/
4. Hệ thống cung cấp thông tin điểm đốt của NASA
Nằm trong hệ thống Quản lý Tài nguyên (FIRMS), bản đồ Thông tin về đám cháy do NASA xây dựng với mục đích giám sát hiện trạng đất và không khí. Dữ liệu được thu thập từ máy quang phổ MODIS và bộ bức xạ hình ảnh hồng ngoại nhìn thấy được VIIRS cho thông tin các vùng cháy trong vòng 3 giờ sau quan sát.
Bằng việc phát hiện những dị thường nhiệt trên bề mặt Trái Đất, hệ thống đưa ra cảnh báo kịp thời về hoạt động của núi lửa. Đồng thời, thông qua mật độ của các điểm cháy, hệ thống cũng xác định được nguồn ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Với dữ liệu chất lượng cao được cập nhật liên tục theo ngày, dữ liệu về điểm cháy trên toàn cầu đã và đang là nguồn thông tin quý giá đối với tất cả các tổ chức, cá nhân quan tâm đến chất lượng môi trường đặc biệt là môi trường đất và không khí.
Truy cập hệ thống theo dõi điểm đốt của NASA tại: https://firms2.modaps.eosdis.nasa.gov/map/