Theo báo cáo cập nhật của 30/30 quận/huyện, thị xã gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội về tình hình sử dụng than tổ ong trên địa bàn thành phố, tính đến cuối tháng 12/2020 còn khoảng 4.571 bếp than tổ ong, loại bỏ được 17.668 bếp (giảm 79,45%) so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2019.

Trong đó, nhóm đạt tỉ lệ giảm 100% bếp than tổ ong bao gồm Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thạch Thất, Thanh Xuân và Hoài Đức. Nhóm quận/huyện giảm trên 90% là Sóc Sơn, Quốc Oai, Đống Đa, Mê Linh, Thường Tín,… Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Ba Đình những tháng đầu năm 2021, quận đã xóa bỏ hoàn toàn than tổ ong trên toàn địa bàn.

Đạt được kết quả đó là nhờ:

  • Sự chỉ đạo tập trung quyết liệt đồng bộ của các cấp lãnh đạo từ thành phố tới các quận/huyện, thị xã, sự ủng hộ đồng lòng của người dân trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố
  • Sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế trong việc hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, giới thiệu và hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường.

Việc nhận thức rõ ràng các tác hại của than tổ ong cùng việc ban hành Chỉ thị 15 đã giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ bếp than tổ ong được thực hiện triệt để, số lượng bếp than giảm đi rõ rệt.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đến nay kết quả thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND chưa xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn Hà Nội, một số quận/huyện tỉ lệ giảm còn thấp như Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ,…

Một số tồn tại và hạn chế khiến cho than tổ ong vẫn chưa hoàn toàn có thể xóa bỏ:

  • Việc sử dụng than tổ ong trong đun nấu đã trở thành thói quen lâu dài của người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ gia đình khó khăn nên việc truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cần có thêm thời gian;
  • Chưa thiết lập được mạng lưới phân phối bếp thay thế phù hợp nhằm tạo thuận lợi để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận với các loại bếp khác thay thế bếp than tổ ong;
  • Một số địa phương chưa nắm rõ được trách nhiệm, tầm quan trọng của nhiệm vụ, chưa có chỉ đạo sát sao và quyết liệt. Các công tác truyền thông chưa được đầu tư, đồng bộ, trao đổi tương tác giữa chính quyền và người dân còn hạn chế, các giải pháp hỗ trợ chưa được quan tâm và thực hiện, chưa có cơ chế phối hợp và giám sát giữa các ngành, địa phương và cộng đồng trong việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đưa ra, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục vận động, tăng cường truyền thông kèm xử lý các hành vi còn sử dụng than tổ ong trên địa bàn. Những đơn vị đã xóa bỏ hoàn toàn cần theo dõi sát sao tình trạng tái sử dụng và xử lý triệt để. Đặc biệt, với các quận, huyện, thị xã đang có các cơ sở sản xuất kinh doanh than tổ ong lớn như Bắc Từ Liêm, Gia Lâm,… đẩy mạnh vận động, truyền thông và khuyến khích kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ chuyển đổi bền vững. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo không còn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn.

Các hoạt động tư vấn, đồng hành hỗ trợ, triển khai tại các đơn vị nhận được sự đồng hành từ Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) trong khuôn khổ dự án Chung tay vì Không khí sạch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, các đơn vị cung ứng bếp thay thế và sự ủng hộ, tự nguyện tham gia từ chính người dân. Đầu năm 2021, Live&Learn tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị quản lý và các cộng đồng nhằm tăng cường truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân thành phố, đặc biệt là các quận nội thành vẫn còn tình trạng sử dụng than tổ ong để cùng nhau giữ gìn bầu không khí trong lành cho chính mình!

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x