Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề môi trường được cộng đồng xã hội rất quan tâm. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xuất bản báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia 2016” khẳng định hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Trong năm vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và hành động trong việc bảo vệ môi trường không khí thủ đô. Đồng hành với những nỗ lực này, GreenID đã tiến hành báo cáo nghiên cứu chất lượng không khí cùng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức các tọa đàm, hội thảo chia sẻ thông tin với các bên liên quan. Để tiếp nối các chuỗi hoạt động này, GreenID phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức hội thảo “CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ NĂM 2017: HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 30 tháng 1 năm 2018 tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Hội thảo thu hút sự tham gia của 200 người, gồm có:
- Cơ quan nhà nước: Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công thương; Bộ Giao thông Vận tải; Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh; Ban Tuyên giáo Trung ương
- Đối tác Phát triển, NGOs: Clean Air Asia; Asia Foundation; GIZ; AFAP; American Embassy; German Embassy; French Embassy; Eurocham; UNDP; Environmental Protection Solution JSC; VUSTA; AIT-VN; Công ty Toàn Cầu.
- Khối viện nghiên cứu và các trường đại học: Trường Đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường; Trường ĐH Việt Pháp (USTH); Đại học Fulbright; Viện Dân số và các Vấn đề Xã hội; Đại học Tài nguyên và Môi trường; Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học Xây Dựng; Đại học Bách Khoa; Đại học Quốc gia Hà Nội; Học Viện Báo chí.
Ở phần 1 của hội thảo, 5 báo cáo tham luận đã được trình bày về chất lượng không khí năm 2017 và công tác quản lý. Nội dung chính của các tham luận được tóm lược dưới đây.
“Báo cáo Chất lượng Không khí khu vực Hà Nội và TP. HCM (GreenID - Nguyễn Thị Anh Thư)
Bài trình bày của nhóm nghiên cứu đến từ GreenID tập trung vào bốn phần chính: Bối cảnh nghiên cứu; Chất lượng không khí 2017 tại Hà Nội và TP. HCM; Quan điểm của người dân về ô nhiễm không khí và đưa ra Khuyến nghị dựa trên các dữ liệu thu được. Các dữ liệu đưa ra được tổng hợp phân tích từ 2 trạm đo của ĐSQ Mỹ ( số 7 Láng Hạ, Hà Nội) và Lãnh sự quán Mỹ (số 4 Lê Duẩn, Hà Nội). Ngoài ra, số liệu quan trắc được tham khảo từ 4 trạm đo ở Hà Nội, bao gồm: Trần Thái Tông, Hà Đông, Khương Đình và Cầu Diễn. Theo đó, các chỉ số AQI tại 4 trạm đo được ghi lại 24/24h và lấy giá trị trung bình giờ và ngày. Theo đó, chỉ số AQI không chênh lệch nhiều theo các cung giờ. Chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội năm 2017 là 103, nồng độ bụi có xu hướng tăng cao vào quý 4 và quý 1, GreenID giải thích cho sự gia tăng này có thể là do khối không khí từ phía Đông – các khu Công nghiệp gây ảnh hưởng tới CLKK của thủ đô. Bên cạnh đó, tại TP. HCM, chỉ số AQI trung bình đạt 87, được coi là khá tốt. Tuy nhiên cũng giống như Hà Nội, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng gió từ Tây Nam cũng có những ảnh hưởng nhất định tới tình trạng ONKK.
“Báo cáo Nghiên cứu Giám sát hiện trạng Ô nhiễm bụi ở Việt Nam ứng dụng công nghệ hình ảnh vệ tinh” (FIMO - TS Phạm Văn Hà).
TS Phạm Văn Hà cũng nhóm nghiên cứu đem đến hội thảo bài giới thiệu về công cụ giám sát chất lượng không khí từ ảnh vệ tinh. Trong bối cảnh ô nhiễm không khi nói chung và ô nhiễm bụi nói riêng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi cần có công cụ quản lý CLKK cũng như hệ thống quan trắc chính xác và hiệu quả. Công nghệ của nhóm nghiên cứu được thiết kế với mục đích ước tính bụi PM sử dụng ảnh vệ tinh, ước tính chất lượng không khí, từ đó xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm bụi. Vùng nghiên cứu có quy mô toàn quốc tuy nhiên tập trung hơn tại Hà Nội. Một trong các trở ngại gây ảnh hưởng tới hiệu quả của mô hình đó là tần suất mây dày đặc có thể giảm chất lượng ảnh thu được cũng như ảnh hưởng tới ước tính sol khí ở độ phân giải cao.
“Tác động của ONKK đến sức khỏe cộng đồng” (TS Lê Thái Hà - Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường)
Chất lượng không khí ngoài trời không đảm bảo sẽ dẫn tới giảm chất lượng không khí trong nhà. Trong bản thuyết trình, TS Lê Thái Hà tập trung phân tích các số liệu thu được của nồng độ bụi (PM10, PM2.5), nồng độ nấm/vi sinh vật và ngoài ra một số nồng độ các chất khí khác như CO, CO2, SO2 đo được tại khu vực Hà Nội và Thái Bình. Theo các số liệu thu được về nồng độ bụi PM10 và PM.2.5 tại các căn hộ mặt đường ở Hà Nội vượt quá nồng độ cho phép lần lượt là 2.5 – 3 lần. Về tổng số vi sinh trong kết quả đo được cho thấy cứ ⅕ số hộ không đạt tiêu chuẩn. Kết quả của các căn hộ trong ngõ tại Hà Nội chỉ ra nồng độ bụi PM10 và PM2.5 cũng gấp 1.6-1.8 lần so với tiêu chuẩn. Ngoài ra các nồng độ chất khí như CO2, SO2 đều đạt chuẩn. So sánh với Hà Nội, các chỉ số về bụi và khí trong nhà tại Thái Bình đều thấp hơn. Kết luận chung cho thấy các nồng độ đo được ở căn hộ cũ thì cao hơn so với các căn hộ mới; ở các căn hộ chung cư/tập thể cũng có chỉ số thấp hơn so với hộ gia đình ở mặt đường hoặc trong ngõ. Trong mối tương quan với gánh nặng bệnh tật gây ra bởi chất lượng không khí trong nhà, kết quả cho thấy ở các thành phố lớn có tỉ lệ người mắc bệnh hô hấp cao hơn các tỉnh khác. Tại TP HCM trong suốt mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4, tỉ lệ tiếp xúc với không khí ô nhiễm (cụ thể là NO2, SO2) làm gia tăng số lượng trẻ em nhập viện. Nguy cơ bệnh tăng từ 7% lên 18% khi NO2 tăng 10 mg/m3. ONKK trong nhà chủ yếu gây ra do vi khuẩn, nấm mốc và nấm men. Nồng độ cao của vi sinh vật có thể gây ra dị ứng, trong đó có tới 30% các vấn đề sức khỏe liên quan đến CLKK trong nhà là kết qủa của phản ứng cơ thể người đối với nấm mốc.
“Tác động của ONKK đến kinh tế” (TS Lê Việt Phú - ĐH Fulbright)
ONKK là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính số người tử vong vì các bệnh liên quan tới PM2.5 lên tới 40.000 người vào năm 2013, riêng tại TP.HCM, con số này hơn 3000 người. Bản đồ thiệt hại trong nghiên cứu chỉ ra rằng, vùng chịu ảnh hưởng sẽ tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng miền Tây và ven biển. Những thiệt hại về người sẽ kéo tới giảm sút hiệu suất lao động cũng như gia tăng gánh nặng bệnh tật. Từ đó, các chi phí phúc lợi xã hội khác cũng gia tăng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế. Cụ thể, GDP hàng năm giảm sút 5-7%. TS Lê Việt Phú chỉ ra rằng một trong những vấn đề hiện hành đó là sự đầu tư vào nhiêu liệu hóa thạch của Việt Nam chưa được chú trọng – biểu hiện ở giá điện trung bình của nước ta đang thấp hơn so với thế giới, thể hiện mức sẵn sàng chi trả không cao. Điều này dẫn tới việc không phát triển được ngành sản xuất năng lượng “sạch” cũng như hiệu quả hơn.
“Công tác quản lý chất lượng không khí” ( TS. Hoàng Dương Tùng - Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT)
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên là Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Chia sẻ dưới góc nhìn là một người làm về chính sách, TS phân tích các nguồn thải ở Việt Nam và các vấn đề ONKK chính hiện nay cũng như nêu ra các công cụ quản lý theo các phương diện khác nhau từ văn bản tới phương tiện thông tin đại chúng. Theo TS, hiện có sáu nguồn phát thải đến từ: các nhà máy và xí nghiệp (hay “nguồn thải điểm”), từ các hoạt động giao thông, từ xây dựng, hoạt động đốt, phát thải từ làng nghề và khí thải xuyên quốc gia. Các công cụ quản lý bằng văn bản hành chính thông qua các luật cũng được tổng hợp lại và trình bày trong hội thảo. TS nhận định rằng riêng hệ thống quy chuẩn thì cần hiểu và nắm rõ được điểm khác nhau giữa các nước để có thể đưa ra kết luận khi so sánh kết quả nghiên cứu. Hiện chúng ta cũng có công cụ quản lý qua hệ thống thanh tra và quan trắc, tuy nhiên vì chất lượng của những hệ thống này còn chưa được đảm bảo, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra còn có công cụ quản lý ở phương diện kinh tế (thông qua hình thức Thuế xăng hay các chính sách trợ giá) và công cụ thông tin (công khai kết quả khoa học qua phương tiện truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng), tuy nhiên để công cụ quản lý vận hành hiệu quả, trước mắt còn cần khắc phục những điểm “hổng” trong hệ thống pháp luật và thực hiện chặt chẽ công tác kiểm kê phát thải của các nguồn thải đã nêu trên.
***
Ở phần 2 của hội thảo, các diễn giả trao đổi cùng quan sát viên về các giải pháp kỹ thuật và chính sách hiện hành về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khoẻ môi trường.
Theo Bà Lê Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Dự án, Chi cục Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thành phố Hà Nội đang có những kế hoạch dài hạn và ngắn hạn để xử lý các vấn đề về môi trường, trong đó công tác loại bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong và hạn chế đốt rơm rạ được đặc biệt ưu tiên. Song song với nỗ lực lắp đặt mới 100 trạm quan trắc không khí, Trung tâm quản lý dữ liệu Chất lượng không khí của CCBVMT với 15 cán bộ chuyên trách đã được đào tạo về chuyên môn để vận hành và triển khai các hoạt động giám sát, lập báo cáo môi trường. Thành phố Hà Nội hướng tới xoá bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố vào năm 2020. Hiện tại, mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng bếp than cải tiến đang được triển khai ở Ba Đình và Hoàn Kiếm. Về công tác giảm thiểu việc đốt rơm rạ, năm 2018 Hà Nội khuyến khích mô hình phường xã không đốt rơm rạ, năm 2019 khuyến khích mô hình quận huyện không đốt rơm rạ và tới 2020, Hà Nội hướng tới trở thành thành phố không đốt rơm rạ. Cam kết này của UBND thành phố Hà Nội được sự ủng hộ cao của các cơ quan đoàn thể cấp địa phương.
Một số ý kiến phản biện về kết quả báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của GreenID được nêu ra bởi các chuyên gia, các nhà quản lý. Theo GS. Hoàng Xuân Cơ, GreenID cần có khảo sát sâu về các đặc điểm của điểm đặt máy đo tại ĐSQ Mỹ, đặc biệt cần quan tâm tới nguồn phát thải bụi lân cận. Đại diện của Tổng cục Môi trường cho rằng Báo cáo cần đảm bảo tính xác thực về thông tin và tính chính xác về mặt khoa học. Đồng quan điểm với đại diện của Tổng cục Môi trường, TS. Bùi Quang Hưng (ĐH Công nghệ Hà Nội) cho rằng thiết bị máy đo CLKK cầm tay mà GreenID đã sử dụng không đảm bảo độ chính xác trong công tác đo đạc, thu thập số liệu. TS. Hưng cho biết, máy Airvisual chỉ phù hợp đo CLKK trong nhà, không thể dùng để đo đạc, đánh giá CLKK xung quanh. Do đó, GreenID nên xem xét lại cách tính toán số liệu, hiệu đính lại về giá trị trung bình AQI sau khi tham khảo thêm các số liệu được cung cấp của Tổng cục Môi trường và Chi cục bảo vệ Môi trường Hà Nội.
Bà Alison (Đại diện ĐSQ Mỹ) và Ông Jorg Ruger (Đại diện ĐSQ Đức) đã chia sẻ kinh nghiệm của Đức và Mỹ trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí. Bà Alison cho rằng, tình hình chất lượng không khí chỉ có thể được cải thiện nếu việc thực thi chính sách được áp dụng mạnh mẽ. Tại Hoa Kỳ, khi Luật Không khí sạch được thông qua vào năm 1970, tình hình không khi đã được cải thiện đáng kể, đồng thời tang trưởng GDP đã đặt mức 200%. Ông Jorg Ruger chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại địa phương và cách xây dựng kế hoạch quản lý môi trường địa phương với sự tham gia của nhiều bên liên quan.