Hội thảo do Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), Viện Công nghệ Môi trường – Đại học Bách Khoa Hà Nội và Dự án Không khí sạch – Thành phố xanh do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) chủ trì phối hợp tổ chức nhằm phân tích việc sử dụng cảm biến không khí giá thành thấp tại Việt Nam thông qua đánh giá hiệu suất vận hành và nhược điểm của các thiết bị, cũng như ứng dụng kỹ thuật của các thiết bị này đối với người sử dụng, cơ quan quản lý và cán bộ giám sát kỹ thuật.
Chiều ngày 07 tháng 12 năm 2018, Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), Viện Công nghệ Môi trường – Đại học Bách Khoa Hà Nội và Dự án Không khí sạch – Thành phố xanh do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã phối hợp tổ chức hội thảo kỹ thuật “Máy đo chất lượng không khí sử dụng cảm biến giá thành thấp – cơ hội và thách thức”. Hội thảo tập trung vào phân tích việc sử dụng cảm biến không khí giá thành thấp tại Việt Nam thông qua đánh giá hiệu suất vận hành và nhược điểm của các thiết bị, cũng như ứng dụng kỹ thuật của các thiết bị này đối với người sử dụng, cũng như cơ quan quản lý và cán bộ giám sát kỹ thuật.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực giám sát và quản lý chất lượng không khí: TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc; PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường – Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Hàn Huy Dũng, Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách khoa Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 50 chuyên gia đại diện cho các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, đối tác phát triển và khu vực tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giám sát và quản lý chất lượng không khí từ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các diễn giả và người tham dự đã cùng thảo luận chuyên sâu về những chủ đề liên quan đến phát triển và vận hành các thiết bị giám sát và quản lý chất lượng không khí hiện nay, trong đó bao gồm: (1) Các thực hành tốt nhất để triển khai và hiệu chuẩn hệ thống cảm biến không khí giá thành thấp; (2) Những nỗ lực tiêu chuẩn hóa dữ liệu và thiết kế cơ sở dữ liệu; (3) Các bước tiến trong việc hiệu chuẩn cảm biến, quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu và trực quan hóa; và (4) Những bài học kinh nghiệm rút ra từ quan hệ đối tác nghiên cứu và quá trình làm việc với cộng đồng để khuyến khích việc sử dụng cảm biến có mục đích và tạo ra các thay đổi và thúc đẩy hành động. Hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề còn chưa được giải quyết và các hạn chế về mặt công nghệ hiện có lĩnh vực sản xuất cảm biến không khí giá thành thấp và đưa ra các khuyến nghị cho người dùng và các cơ quan quản lý.
Nhìn chung, theo TS. Hoàng Dương Tùng, điểm mạnh của các cảm biến không khí giá thành thấp bao gồm giá cả phải chăng, số lượng cảm biến lớn, giao diện thân thiện và tính linh hoạt, trong khi điểm yếu của chúng là độ chính xác dữ liệu thấp. Cụ thể là, các công ty sản xuất cảm biến giá thành thấp trong nước được hưởng các điều kiện thuận lợi như (1) nhiều công nghệ và thiết bị mới liên tục được giới thiệu ra thị trường, bao gồm các công cụ tích hợp, xử lý và kết nối ngày càng phát triển; (2) nguồn nhân lực dồi dào cho việc phát triển phần mềm tại Việt Nam; và (3) nhu cầu từ người dùng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các công ty cũng cần phải vượt qua một số thách thức để thúc đẩy sự phát triển của các cảm biến không khí giá thành thấp như (1) các khía cạnh kỹ thuật (phương pháp hiệu chuẩn và các bộ phận cấu thành); (2) chia sẻ dữ liệu, thông tin về thời tiết và địa hình; (3) chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực; và (4) cạnh tranh và bản quyền. Để khắc phục được những điểm yếu này, các công ty và viện nghiên cứu cần phối hợp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời phát triển nền tảng và phần mềm để quản lý dữ liệu về chất lượng không khí.
Tham dự hội thảo, các chuyên gia cũng tích cực đóng góp phản hồi để cải tiến cảm biến không khí giá thành thấp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hóa dữ liệu, cũng như sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với việc lắp đặt và vận hành các loại cảm biến này. Một số chuyên gia chia sẻ rằng cần giới thiệu cảm biến giá thành thấp tại các tỉnh, thành phố khác ngoài thành phố Hà Nội, đặc biệt là tại những địa điểm có khu công nghiệp lớn, để người dân địa phương có thể tham gia vào việc giám sát chất lượng không khí, cũng như để mở rộng thị trường cho sản phẩm cảm biến không khí. Ngoài ra, các viện nghiên cứu và công ty phát triển cảm biến giá thành rẻ cũng được nhận được đề xuất phối hợp từ các đại diện của Hội Hô hấp Việt Nam và Vụ môi trường, Bộ giao thông vận tải trong việc thu thập thông tin về ô nhiễm không khí và tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án KHÔNG KHÍ SẠCH – THÀNH PHỐ XANH: Kết nối để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp bảo vệ sức khỏe và chất lượng không khí.