Thứ bảy vừa qua, trong một chiều mùa thu với không khí se lạnh, Live & Learn cùng Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace đã có một buổi tọa đàm ấm cúng để cùng chia sẻ câu chuyện “Đi” của từng diễn giả cũng như những khán giả đến xem chương trình.


KTS Trần Huy Ánh người làm các công việc liên quan đến Quy hoạch đô thị, và đặc biệt là đang thực hiện dự án “Đường đi bộ đến trường” từ năm 2010 đến nay. Nói đến lý do của việc thực hiện dự án “không được trả tiền cho để làm”, KTS chia sẻ rằng chú muốn hồi sinh lại một thành phố Hà Nội với nhiều tiềm năng để đi bộ (từ những nghiên cứu lịch sử, từ cây xanh,…) mà trong thời gian 20 năm quy hoạch đô thị vừa qua, chúng ta đã vô tình bỏ qua. Hà Nội trong 20 năm qua đã thay đổi rất nhiều, từ một thành phố với nhiều hồ nước và cây xanh đã chuyển thành thành phố của các khối nhà cao tầng. Cũng chính vì vậy mà những đứa trẻ không còn không gian để có thể bước chân trên đường được nữa, vì nơi các em đi học không có đủ không gian an toàn cho các em đi bộ.

KTS Trần Huy Ánh chia sẻ về dự án “Đường đi bộ tới trường”

“Than vãn mãi sẽ chẳng thay đổi được gì”, KTS Trần Huy Ánh đã chọn làng Hạ Đình bên cạnh sông Tô Lịch để thực hiện dự án “Đường đi bộ đến trường”. Dự án hiện nay đã được tiếp tục triển khai ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động đa dạng hơn. Nếu ban đầu chỉ là kẻ những vạch sơn trên các tuyến đường đi đến trường của trẻ em, thì nay nhóm dự án tìm các tuyến đường đi bộ trong làng rồi giải phóng không gian và thay vào đó là vẽ những bức tranh để trẻ em có thể thích thú và tạo ra những chướng ngại mà xe máy hay ô tô không thể đi vào được.

TS. Lê Quý Thủy chia sẻ về dự án “Kiểm tra thí điểm khí thải xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh


Khách mời TS. Lê Quý Thủy tiếp tục buổi tọa đàm với câu chuyện về 2 đề án nghiên cứu và đưa ra giải pháp kiểm soát khí thải xe máy cho các thành phố lớn ở Việt Nam. Từ năm 2010 đã có những đề án về kiểm soát khí thải xe máy nhưng chưa thực hiện được vì đa số người dân chưa đồng tình. Đối với đề án nghiên cứu như của TS. Lê Quý Thủy, sự đồng thuận của người dân đóng vai trò rất quan trọng để triển khai dự án. Các nước gần chúng ta như Đài Loan và Thái Lan đã và đang thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát khí thải từ giao thông. Rất may là Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề này và những chương trình thí điểm kiểm tra khí thải mà TS. Lê Quý Thủy tham gia vào đang rất cần sự quan tâm của người dân. Mỗi người dân đều có thể khiến việc đi lại của mình “xanh” bằng những hành động đơn giản như thay dầu nhớt và kiểm tra – bảo dưỡng định kỳ chiếc xe máy của mình.

Chị Lê Phương Chi chia sẻ về nhóm “Đạp xe đi làm/Cycle to work”


Chị Lê Phương Chi là người đã lập ra group “Đạp xe đi làm/Cycle to work” vào năm 2013 – khi chị bắt đầu mua xe đạp tốt để đi lại và đạp đi làm. Nhóm “Đạp xe đi làm” được lập ra từ một suy nghĩ ban đầu của chị là tìm ra những người “giống mình”, có cùng đam mê và sở thích đạp xe đi làm. Từ thời gian thành lập đến nay nhóm có khoảng hơn 1000 thành viên, không quá nhiều vì định hướng của chị Chi là không muốn phát triển ồ ạt. Theo quan điểm của chị, không cần tuyên truyền kêu gọi vì mỗi người có hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống khác nhau, nhóm chỉ có mục đích đạp xe an toàn vui vẻ và truyền cảm hứng với những người đang xem xét chuyển sang đi xe đạp.

Nhà văn Trang Hạ – Người dẫn dắt và điều phối buổi tọa đàm

Nhà văn Trang Hạ kết luận rằng: “Vậy ai là người quyết định chuyện đi trong thành phố?” Không hẳn là chúng ta, mà đó là việc của quy hoạch đô thị, cùng với điều kiện của mỗi cá nhân (như thu nhập và điều kiện sống), cũng những điều thay đổi dù chỉ nhỏ thôi cũng tác động đến quyết định đó (ví như câu chuyện một công ty nọ chỉ lắp thêm vòi hoa sen tại nhà vệ sinh ở chỗ làm cũng khiến số lượng người đạp xe tăng lên rất nhiều). Tuy nhiên cũng như lựa chọn mặc gì mỗi ngày – như nhà văn Trang Hạ lựa chọn mặc một chiếc quần jeans từ bã cà phê và sợi nylon tái chế – lựa chọn “đi” gì mỗi ngày của chúng ta là không có giới hạn, chúng ta không cần đi theo đám đông mà có thể lựa chọn bất cứ phương tiện nào cho chính mình. Thay đổi bắt đầu từ chính bạn!

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x