Một trong những vấn đề xã hội nổi cộm tại các thành phố lớn trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như xây dựng, công nghiệp, sinh hoạt,… trong đó giao thông là một trong những nguyên nhân chính.
Việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy không chỉ giúp nâng cao tuổi thọ của xe mà còn gián tiếp góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cụ thể theo nghiên cứu từ những đợt khám và bảo dưỡng xe máy trước đây, quá trình bảo dưỡng thay lọc gió, dầu bôi trơn và bugi cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%. Tuy nhiên, đại bộ phận người tham gia giao thông chưa nhận thức sâu sắc về việc kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như ảnh hưởng của khí thải từ giao thông đối với sức khỏe con người.
Ngày 29/08/2020, Live & Learn đã tổ chức sự kiện tọa đàm “Xe máy: Câu chuyện từ Hà Nội ra Thế giới”, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp và nằm trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Chương trình là cuộc gặp gỡ giữa tài xế xe ôm (người sử dụng xe máy làm công cụ kiếm tiền chính) cùng các chuyên gia là tư vấn tự do và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực nghiên cứu về khí thải xe máy.
Chia sẻ tại tọa đàm, Th.S Vũ Anh Tuấn cho biết việc bùng nổ xe máy ở Việt Nam là do điều kiện đô thị, kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên điều này cũng đem lại những vấn đề như di chuyển chưa đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường không khí. Cũng theo Thạc sĩ, theo báo cáo về phát thải toàn ngành giao thông, xe máy chiếm 90% phát thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên nếu đổi cách nhìn theo số lượng chất phát thải theo chuyến đi thì xe máy vẫn phát thải ít hơn so với ô tô. Trong một chuyến đi, xe ô tô phát thải ra HC và NOx gần gấp 5 lần với xe máy. Tuy nhiên, với số lượng xe máy hiện tại (5,7 triệu xe máy tại Hà Nội đã đăng ký, chưa kể xe máy chưa đăng ký), những tác động của khí thải xe máy là rất lớn.
Chia sẻ về câu chuyện các nước trên thế giới quản lý khí thải từ xe máy như Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan, Th.S Trịnh Thị Bích Thủy cho biết các nước đi trước chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ để phát triển quản lý xe máy và ô tô bằng cách ưu tiên các hành động tập thể và sự tham gia của công ty tư nhân, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và người dân.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đưa ra ý kiến rằng việc kiểm định khí thải xe máy là rất quan trọng để tiến hành thực hiện nghiên cứu về tác động của khí thải xe máy, từ đó đưa ra các chính sách và khung pháp lý liên quan. Và để thực hiện được việc này cần sự tham gia tích cực từ phía người dân.