Sáng ngày 17/3/2020, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế Công cộng CIPPR đã trao tặng cho Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (TRAMOC) 500 chai nước rửa tay Nano bạc loại 500ml qua sự kết nối của Trung tâm Sống và Học vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn).
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ một phần trong nỗ lực đẩy lùi dịch của thành phố, CIPPR có ý tưởng muốn tặng 500 chai nước rửa tay đến các trạm xe buýt và điểm trung chuyển trong thành phố. Trên một chuyến xe buýt, số lượng người tham gia phương tiện giao thông công cộng lớn, trong khi người lái xe và người phụ xe một ngày phải tiếp xúc rất nhiều lượt khách sẽ khiến nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn tăng cao. Mỗi người tham gia giao thông xe buýt khi dùng nước rửa tay sát khuẩn khi lên xe sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ nhân viên xe buýt, cho chính mình và cộng đồng xung quanh.
Được biết, ngay từ khi có dịch tại Việt Nam, tại các tuyến xe buýt đã chủ động nhắc nhở tất cả các tài xế, phụ xe buýt đều phải trang bị khẩu trang, luôn vệ sinh xe buýt cũng như mở cửa để lưu thông không khí trong xe. Ông Thái Hồ Phương – phó giám đốc Tramoc cho biết từ lúc dịch bùng phát dịch trên địa bàn Hà Nội, số lượng người sử dụng xe buýt trong thành phố đã giảm từ 15-20%, lượng khách trên các chuyến xe buýt liên tỉnh giảm 30-40%. Mong rằng với những nỗ lực này của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng như CIPPR và Live&Learn, mọi người có thể yên tâm tiếp tục sử dụng xe buýt trong hành trình di chuyển của mình.
Đại diện của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (TRAMOC) cho biết mỗi ngày 2000 xe buýt tại Hà Nội cần từ 300 lít – 350 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn. Tiếp nối hoạt động ngày hôm nay, TRAMOC, CIPPR và Trung tâm Sống và học vì Môi trường và cộng đồng dự kiến kế hoạch cùng triển khai tiếp hoạt động này tại các điểm trung chuyển và trên xe buýt thông qua dự án thu hồi chai để xử lý và làm đầy lại, hoặc cung cấp các bình lớn tại mỗi điểm tập kết để phụ trách xe chủ động đổ đầy bình, tránh phát thải một lượng nhựa ra môi trường. Sự hợp tác giữa các bên đã cho thấy công tác phòng dịch không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi tổ chức và cá nhân.
Mỗi người hãy tự trang bị cho mình các biện pháp phòng vệ, ý thức sử dụng dịch vụ để môi trường xe buýt nói riêng và các dịch vụ/ phương tiện công cộng trở nên an toàn bạn nhé.