Ngày 08-13/07/2018, Live&Learn phối hợp cùng Mạng lưới Không khí Sạch Hồng Kông và Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam tổ chức chuyến tham quan học tập tại Hồng Kông nhằm nâng cao năng lực cho cho các thành viên cốt lõi của mạng lưới và giới thiệu những mô hình thành công có thể áp dụng tại Việt Nam.

Chuyến đi kéo dài 04 ngày với các hoạt động đa dạng:

Ngày 01: Mạng lưới Không khí sạch Hong Kong (Clean Air Network Hong Kong)

Trong ngày đầu tiên của chuyến đi, đoàn Việt Nam đã có chuyến ghé thăm và làm việc với Mạng lưới Không khí sạch Hong Kong (Clean Air Network Hong Kong).

Trong buổi gặp mặt này, đoàn Việt Nam đã được lắng nghe về tình trạng chất lượng không khí hiện tại của Hong Kong, cũng như những nỗ lực và khung pháp lý của Chính phủ nước này, với Kế hoạch Không khí sạch 2013 – 2017 và 2018 – 2022.

Ngày 02: Tony IP và Tòa nhà Zero-Carbon

Ở ngày làm việc thứ hai, đoàn Việt Nam đã có buổi chia sẻ với ông Tony – một kiến trúc sư với chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế bền vững và ủng hộ kiến trúc và đô thị xanh. Đặt trụ sở tại Hong Kong với bối cảnh đô thị mật độ cao, Tony IP hướng tới những thiết kế xanh, cân nhắc những ảnh hưởng của thiết kế tới khí hậu; cũng như yếu tố hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Tiếp theo đó, đoàn có chuyến tham quan, tìm hiểu cách thức vận hành của Tòa nhà không phát thải Zero Waste Building.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn có chuyến ghé thăm và làm việc với Khoa Kỹ thuật Môi trường & Kỹ thuật Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hong Kong. Đây là nơi hội tụ một trong những nhóm học giả đông đảo nhất tại Hong Kong, và được trang bị các thiết bị tân tiến nhất trong nghiên cứu chất lượng không khí.

Tại đây, các nhà nghiên cứu đã có phần thuyết trình về kê khai phát thải ở Hong Kong và việc phát thải của các phương tiện giao thông; cũng như việc sử dụng kết quả của các nghiên cứu để tăng nhận thức cho công chúng và cung cấp các bằng chứng cho Chính phủ Hong Kong đưa ra các quyết định.

Thông qua buổi gặp mặt, đoàn Việt Nam cũng đã có thêm thông tin về một số giải pháp được áp dụng tại Hong Kong, như:

  • Áp dụng các tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn và sử dụng nhiên liệu như EURO 5, EURO 6
  • Kiểm soát khí thải từ xe đang sử dụng
  • Sử dụng phương tiện với nhiên liệu thay thế sạch hơn
  • Khuyến khích lái xe tư nhân
  • Thúc đẩy việc sử dụng phương tiện vận chuyển không có động cơ

Ngày 03: Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông Nhóm dự án PRAISE

Ở ngày làm việc thứ ba, đoàn công tác của dự án đã có chuyến thăm và làm việc với Nhóm dự án PRAISE, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông  . 

Đoàn đã được lắng nghe về Nghiên cứu về phát thải của phương tiện giao thông đường bộ sử dụng GIS – mô hình hóa và so sánh phát thải giao thông với dữ liệu thu thập trên đất liền – trên không – trên biển: Nghiên cứu dài hạn về phát thải PM2.5 từ giao thông; Nghiên cứu phát thải hàng không sử dụng GIZ, meteo; Và tính toán phơi nhiễm của từng chất ô nhiễm.

Nhóm dự án PRAISE cũng chia sẻ về dự án dự báo ô nhiễm không khí và với các thông số chất lượng không khí đo trong nhà và ngoài trời được cập nhật liên tục; và việc xây dựng ứng dụng trên các thiết bị thông minh nhằm cung cấp cảnh báo cho các nhóm và người dùng dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Ngày 04: CHINA LIGHT POWER – Nhà máy điện CASTLE PEAK

Ngày thứ tư của chuyến đi, đoàn đã có chuyến ghé thăm một nhà máy điện ở Hong Kong.

Hồng Kông đang trong lộ trình cắt giảm năng lượng hóa thạch và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng ở cấp hộ gia đình. Với đó, nhà máy này được xây dựng sau khi đã có đánh giá và cân nhắc kĩ lưỡng, toàn diện về không khí, chất lượng nước, ô nhiễm đất, tiếng ồn, quản lý chất thải và các khía cạnh sinh thái.

Trong quá trình vận hành nhà máy, một số công nghệ kiểm soát đã được phát triển để đáp ứng các yêu cầu kiểm soát khí thải, như:

  • Kiểm soát khí thải NOx: Điều khiển khí thải NOx bằng việc thay đổi từ công nghệ kiểm soát đốt cháy đến khử khí thải sau đốt cháy (de-NOx).
  • Áp dụng Công nghệ kiểm soát khí thải SO2.

Ngày 04: Sở Bảo vệ Môi trường Hong Kong

Chiều ngày làm việc cuối cùng, đoàn có chuyến thăm và làm việc với Sở Bảo vệ Môi trường Hong Kong.

Trong buổi làm việc, Đại diện Sở đã trình bày về cấu trúc vận hành của Sở. Theo đó, Sở có các vai trò chính:

  • Chiến lược Kiểm soát Chất lượng Không khí: Thực hiện một loạt các biện pháp để kiểm soát khí thải từ xe cơ giới, tàu biển, nhà máy điện và các quy trình công nghiệp và thương mại tại địa phương.
  • Thông tin Chất lượng Không khí: Sở giám sát RSP, NOx và các chất gây ô nhiễm khác; cung cấp thông tin cập nhật về Chỉ số sức khỏe không khí mỗi giờ và chuẩn bị các báo cáo hàng năm về mức độ ô nhiễm không khí.
  • Chất lượng Không khí trong nhà: Sở thành lập một Trung tâm thông tin chất lượng không khí trong nhà để cung cấp thông tin về Chỉ số và việc quản lý chất lượng Không khí, cũng như để giới thiệu sản phẩm và công nghệ có thể giúp cải thiện Chất lượng Không khí.
  • Xử lý ô nhiễm không khí khu vực: Sở xây dựng một kế hoạch chung nhằm giảm tổng lượng khí thải và ngăn chất lượng không khí xấu đi, với mục tiêu về lâu dài đạt được chất lượng không khí tốt cho cả khu vực

Qua buổi gặp, Đoàn Việt Nam cũng được biết Chính phủ Hồng Kông và Quảng Đông đang xây dựng kế hoạch chung nhằm giảm tổng lượng khí thải và ngăn chất lượng không khí ngày càng xấu đi ngay khi có thể, với mục tiêu về lâu dài đạt được chất lượng không khí tốt cho toàn khu vực. Theo kết quả giám sát chất lượng không khí từ Mạng lưới giám sát chất lượng không khí khu vực PRD, nồng độ trung bình hàng năm của SO2, NO2 và RSP trong khu vực PRD giảm lần lượt 66%, 20% và 24% so với số liệu năm 2006 khi Mạng lưới bắt đầu hoạt động.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x