Từ tháng 6 – tháng 9 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và sẽ trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2021. Trên tinh thần xây dựng để hoàn thiện dự thảo Nghị định, Live&Learn cùng Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) đã gửi các góp ý cho các điều về quan trắc môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng không khí, biện pháp ứng phó khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Các ý kiến góp ý nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng, đồng thời thúc đẩy đối mới sáng tạo và sự tham gia của người dân, tổ chức, doanh nghiệp vào cải thiện chất lượng không khí.

Về quan trắc môi trường, các tổ chức kiến nghị không áp đặt các yêu cầu kỹ thuật dành cho quan trắc môi trường phục vụ quản lý nhà nước lên toàn bộ hoạt động quan trắc trong xã hội. Thay vào đó, cần cập nhật các xu hướng quốc tế và đưa ra các cơ chế khuyến khích sự tham gia của người dân trong quan trắc và cung cấp thông tin môi trường, theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nghị định chỉ nên yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi thực hiện quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường cho cộng đồng phải kèm theo các thông tin về phương pháp quan trắc và chịu trách nhiệm về thông tin mình công bố.

Về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, Nghị định cần đưa ra các quy định rõ ràng hơn để phân biệt kế hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh. Kế hoạch quốc gia cần là nền móng cho kế hoạch cấp tỉnh và cần chỉ rõ các khu vực, tỉnh, thành phố bị ô nhiễm không khí, cần ban hành kế hoạch cấp tỉnh. Hiện nay, dự thảo Nghị định chưa phân định rõ sự khác nhau giữa kế hoạch quản lý của các cấp. Đồng thời, không phải tỉnh thành nào cũng cần ban hành kế hoạch quản lý chất lượng không khí, nhất là các địa phương không có vấn đề ô nhiễm không khí. Đối với một số tỉnh, có thể không cần xây dựng kế hoạch cho toàn bộ tỉnh mà nên ưu tiên xây dựng kế hoạch cho các thành phố, đô thị thuộc tỉnh đã, đang và có khả năng bị ô nhiễm không khí. 

Về biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Nghị định không nên giới hạn các biện pháp mà các tỉnh thành có thể thực hiện. Ô nhiễm không khí tại mỗi tỉnh thành sẽ đòi hỏi các biện pháp ứng phó khác nhau bởi đặc trưng ô nhiễm không khí khác nhau và mỗi địa phương có năng lực, nguồn lực để ứng phó với ô nhiễm không khí khác nhau (ví dụ, có tỉnh chưa có trạm quan trắc chất lượng không khí). Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định, ô nhiễm không khí nghiêm trọng là khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia trong 3 ngày liên tục. Cách xác định sẽ gây ra chậm trễ trong ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Tài liệu tham khảo

Tóm tắt Bản góp ý dự thảo Nghị định, gồm tóm tắt các nội dung chính liên quan đến quản lý chất lượng không khí trong Bản góp ý.

Thông tin báo chí (trang 3-4): Hội thảo “Từ vô hình tới hữu hình – Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam” ngày 30/9/2021.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x