Vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, Live&Learn phối hợp với Hợp tác Không khí sạch Châu Á – Thái Bình Dương, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam và Tạp chí Tia Sáng tổ chức Hội thảo “Từ vô hình tới hữu hình – Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam” nhằm cập nhật xu hướng tích hợp công nghệ trong quan trắc CLKK quốc tế và tại Việt Nam cho công chúng, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Hội thảo nằm trong nỗ lực của dự án Chung tay vì không khí sạch do USAID tài trợ.
Nằm trong bối cảnh sự kết hợp thêm công nghệ quan trắc sử dụng cảm biến và kỹ thuật viễn thám đang là xu hướng hiện nay, hội thảo có sự tham gia trực tiếp của hơn 200 đại biểu đến từ trung tâm quan trắc môi trường các tỉnh, nhà nghiên cứu từ các viện và trường đại học, các công ty sản xuất và phát triển thiết bị cảm biến, và đơn vị báo chí – truyền thông.
Mở đầu hội thảo, TS. Andrea Clements, thuộc Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA) đã trình bày về Sử dụng cảm biến trong giám sát chất lượng không khí và kinh nghiệm từ Hoa Kỳ. Theo đó, US EPA có nhiều kinh nghiệm phát triển công nghệ cảm biến, trong đó nổi bật là Chương trình đánh giá hoạt động của cảm biến và Tài liệu Hướng dẫn sử dụng cảm biến được nhiều quốc gia khác áp dụng.
Phần trình bày của Ông Sean Khan, Giám đốc Chương trình toàn cầu Hệ thống giám sát chất lượng không khí cho mọi người – Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về Kinh nghiệm thế giới về tích hợp công nghệ trong giám sát CLKK. Theo đó, chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy rất nhiều nỗ lực cải thiện CLKK toàn cầu, trong đó đánh giá các mạng lưới sử dụng cảm biến chi phí thấp (hay low-cost air sensors – LCS) giám sát CLKK và tiềm năng trong kết hợp quan trắc vệ tinh và mặt đất tại các quốc gia đang phát triển mà đang thiếu hụt dữ liệu chất lượng không khí.
Tại Việt Nam, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đã có bài trình bày về ứng dụng của công nghệ cảm biến cho các mục tiêu khác nhau như giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức, phát hiện điểm nóng ô nhiễm và bổ sung thông tin cho mạng lưới quan trắc hiện có.
Tiếp nối phần ứng dụng của công nghệ cảm biến tại Việt Nam, TS. Lý Bích Thuỷ – Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra một số nghiên cứu về CLKK tại Việt Nam sử dụng cảm biến giá thành thấp.
Phiên thảo luận ghi nhận rất nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi từ các nhà nghiên cứu,sở TN&MT các tỉnh về quy trình vận hành và áp dụng thực tiễn của hệ thống quan trắc chất lượng không khí quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng, từ đó cập nhật xu hướng tích hợp công nghệ trong quan trắc CLKK quốc tế và tại Việt Nam cho công chúng, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Tài liệu hội thảo (bản ghi hình, các bài trình bày, tóm tắt phần Hỏi – Đáp) có thể truy cập tại đây