Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi những tác động của các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, khủng hoảng năng lượng, quá tải rác thải… Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và các thách thức về môi trường ngày một gia tăng, trường học cần chung tay cùng gia đình và xã hội để chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Không chỉ là nơi để dạy và học, trường học còn là nơi lý tưởng cho mỗi công dân “nhí” tìm hiểu về các vấn đề môi trường – phát triển, xây dựng lối sống xanh, chuẩn bị hành trang để đương đầu với những thử thách hiện tại và đối mặt với những lựa chọn trong tương lai. Và nhờ thế, từ trường học tới cộng đồng, tất cả chúng ta có thể có một cuộc sống bền vững hơn.

Với mục đích nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh về các vấn đề môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, chương trình “Trường học xanh – Vì một Hà Nội Xanh” sẽ được thực hiện trong thời gian 2021 – 2025. Chương trình sẽ giúp các trường học trở thành những ngôi trường xanh – nơi các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục và các em học sinh cùng học tập – hành động – và nuôi dưỡng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh. Chương trình được xây dựng dựa trên Kế hoạch phối hợp số 3739/KH-STNMT-SGDĐT ngày 05/5/2021 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Chương trình “Xây dựng Trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Chương trình được đồng hành hỗ trợ bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì không khí sạch” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Bên cạnh đó, chương trình cũng có sự tham gia của Công ty cổ phần Lagom Việt Nam.

Học kì I năm học 2021 – 2022 sẽ là giai đoạn thí điểm của chương trình với sự tham gia của ít nhất 40 trường học ở các cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc 4 quận huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh và Thạch Thất. Các hoạt động chính trong giai đoạn này bao gồm:

  • Xây dựng dự thảo “Khung tiêu chí trường học xanh”;
  • Tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý trường học về các giải pháp cải thiện môi trường tại trường học và gia đình;
  • Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường dựa trên hướng dẫn của khung tiêu chí xuyên suốt trong học kì I năm học 2021 – 2022;
  • Tổ chức cuộc thi “Đại sứ xanh” nhằm huy động sự tham gia và xây dựng thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh;
  • Đánh giá và chia sẻ kết quả thực hiện tại các trường trong tháng 12/2021.

Kết quả của giai đoạn thí điểm trong năm 2021 sẽ là cơ sở hoàn thiện bộ tiêu chí trường học xanhnhân rộng mô hình trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo (2022 – 2025).

 

Để giúp các trường học trả lời ba câu hỏi quan trọng: Tại sao phải xây dựng trường học xanh? Trường học của chúng ta có thể làm gì?Làm thế nào để xây dựng trường học xanh?, Live & Learn đã biên soạn tài liệu “Hướng dẫn xây dựng trường học xanh. Tài liệu đã thu thập và chia sẻ các hướng dẫn xây dựng trường học xanh theo từng chủ đề: không khí, năng lượng, rác thải, nước và không gian xanh từ các kinh nghiệm thực tế trên thế giới và Việt Nam. Ở mỗi chủ đề, các giải pháp của trường học: từ chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục – truyền thông đến thực hành xanh của học sinh tại trường, tại nhà và tại cộng đồng đã được đưa ra kèm theo các ví dụ thực tế. Các giải pháp nêu trong tài liệu đã được chọn lọc để phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam, trong đó, có các gợi ý cụ thể giúp trường học và gia đình cùng học sinh sống xanh kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Tài liệu được trình bày dưới dạng sách in và website để các giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục có thể dễ dàng tiếp cận và tham khảo. Nội dung đầy đủ của tài liệu có thể được xem tại website: https://truonghocxanh.weebly.com/.

Mong rằng tương lai sẽ có thêm thật nhiều các câu chuyện thay đổi tích cực từ các thầy cô giáo, các nhà trường, các gia đình và các bạn học sinh như những chia sẻ dưới đây:

“Khi trẻ hiểu được giá trị to lớn từ những việc tuy nhỏ các con làm cho môi trường nhưng đem lại ích lợi vô vàn, trẻ sẽ tự nguyện sống có ý thức, trách nhiệm một cách tự nhiên và vô ngại. Có được điều đó là bởi người lớn đã khơi gợi và giúp chúng thấy được giá trị của những việc làm ấy. 

Thông qua các phương tiện giáo dục môi trường, chúng ta có thể chuyển hóa một đứa trẻ trở nên sống có ý thức hơn với cộng đồng, với chính bản thân mình.  Khi một đứa trẻ “có sự tiến bộ về ý thức, rộng mở tâm hồn, gắn kết với môi trường xung quanh” thì những người sống xung quanh chúng cũng được thôi thúc chuyển hóa theo. Sự lan tỏa đó làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp lên.

Tôi hạnh phúc lắm khi thấy phụ huynh tôi khoe con cái họ biết sống “đủ”, giản dị hơn, ít đòi hỏi hơn… Khi đã hiểu được mối quan hệ qua lại chặt chẽ giữa con người và môi trường, các con sẽ là những “đại sứ xanh” – không rao giảng bằng lời mà bằng chính những việc làm nhỏ như: dùng túi đi chợ tái sử dụng, dùng khẩu trang vải thay khẩu trang một lần, dùng bình nước cá nhân, hộp nhựa an toàn…

Vậy nên, từ lâu, tôi ước mong việc giáo dục môi trường sẽ sớm được Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như một bộ môn chính khóa ngay từ những cấp học đầu tiên, nền tảng…”

Cô Ngọc Anh – Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng – Hà Nội

“Bọn con mong muốn có thể tạo ra sự thay đổi diện rộng trong cộng đồng, bởi vì mỗi người tạo ra một sự thay đổi nhỏ ví dụ như bớt một chút rác, tái chế một ít, thì chung tay lại sẽ tạo ra một sự thay đổi rất lớn. Bởi vì bảo vệ môi trường cũng chỉ là sự tổng hợp của rất nhiều hành động nhỏ như bớt cái này, bớt cái kia, thay đổi một chút. Những hành động nhỏ đó sẽ trở thành dây chuyền để tất cả mọi người cùng hành động, chứ con nghĩ phải đợi đến khi người ta làm một cái gì đấy hoành tráng thì nó hơi muộn rồi.”

Các em học sinh nhóm Clean ‘n Green – Hà Nội

“Chỉ trong một học kỳ ngắn ngủi, mà anh đã thấy sự thay đổi rõ rệt đến từ cả phía nhà trường và khu vực xung quanh, bây giờ khu vực xung quanh trường đã giảm hẳn khói bụi và kẹt xe làm cho các con cũng cảm thấy thoải mái vui chơi hơn. Nếu chương trình “Đường đến trường an toàn” có thể triển khai toàn quận, hay toàn thành phố thì là điều rất tốt cho tất cả các con, anh có thể hoàn toàn an tâm đưa con đến trường bằng xe đạp, mình sẽ không còn cảnh chen lấn xô đẩy nữa, vừa tốt cho sức khỏe, vừa tốt cho gia đình. Anh sẽ rủ các cha mẹ cùng tham gia vào chương trình để còn tình nguyện hỗ trợ các gia đình khác nữa.”

Phụ huynh học sinh trong chương trình “Đường đi bộ an toàn” tại trường TH Trần Quốc Toản – Hà Nội

Trong thời gian tới, cùng các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường – giáo dục, Live & Learn sẽ đồng hành cùng các trường học trong hành trình xây dựng trường học xanh để cập nhật và lan tỏa những ví dụ thực tế, những câu chuyện sống động “Vì một Hà Nội xanh”.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng

Ms. Phạm Thị Yến Nhi (Cán bộ chương trình giáo dục) 

Email: education.vn@livelearn.org

Điện thoại: 0335603944

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x