Nhằm đánh giá các kết quả và đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố, vào ngày 27/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Live & Learn tổ chức Hội thảo “Quản lý rơm rạ trên địa bàn Thành phố Hà Nội – Hiện trạng, Thách thức và Cơ hội”. Buổi hội thảo ghi nhân sự có mặt của đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã và các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp. 

Tại phiên đầu của buổi hội thảo, PGS. TS. Hoàng Anh Lê (trường ĐHKHTN) chia sẻ một kết quả đáng khích lệ: hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 đã có xu hướng giảm mạnh, với vụ Đông Xuân cao nhất là khoảng 50% và vụ Mùa cao nhất là khoảng 12%. Nhiều quận/ huyện đã không còn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đây có thể được coi là một kết quả khả quan, thể hiện sự chung tay góp sức của các bên như UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các quận, huyện, thị xã cùng các tổ chức và doanh nghiệp giải pháp đặc biệt sau chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/09/2020.

Vụ Đông Xuân 2020

Vù Mùa 2020

Tuy nhiên, kết quả mô hình lan truyền chất ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và CO2 của nhóm nghiên cứu PGS. TS. Hoàng Anh Lê cho thấy, mặc dù tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm nhưng vẫn còn nhiều địa phương phải hứng chịu ô nhiễm cục bộ. Theo đó, có những khu vực đốt ít hơn như huyện Ứng Hòa nhưng lại phải chịu nồng độ bụi mịn PM2.5 từ đốt rơm rạ cao hơn. Điều này là do bụi mịn có thể lan truyền trong không khí do các điều kiện khí tượng.

Vụ Đông Xuân 2020

Vụ Mùa 2020

Từ những kết quả này, PGS. TS Hoàng Anh Lê đề xuất tới đại diện các sở, ban ngành có mặt tại buổi hội thảo về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát, ngăn ngừa đốt rơm rạ và tìm kiếm các giải pháp khả thi để tận dụng nguồn rơm rạ thải bỏ. 

Tiếp nối bài báo cáo của PGS. TS Hoàng Anh Lê, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ Viện Môi trường Nông Nghiệp, PGS. TS Phạm Quang Hà đề xuất các giải pháp quản lý phụ phẩm nông nghiệp, bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất, giải pháp về khoa học công nghệ, giải pháp về truyền thông, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng, giải pháp đào tạo chuyển giao công nghệ và giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, PGS. TS Phạm Quang Hà nhấn mạnh nội dung không đốt rơm rạ và phụ phẩm trồng trọt cần được thảo luận thường xuyên trong các cuộc họp tại thôn xóm và chính quyền lãnh đạo cấp cơ sở, cũng như đưa vào tiêu chí thi đua giữa các địa phương.

Kết thúc buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới cũng đề xuất về các kế hoạch hợp tác và hoạt động chung tay giữa các sở, ban ngành liên quan trong tương lai, hướng đến chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x