Trong bối cảnh ô nhiễm không khí hiện đang được coi là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất thế giới, với 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tín chính xác, cập nhật tới người dân. Tiếp nối 02 khóa tập huấn năm 2019, Live&Learn phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung Vietnam và các chuyên gia trong mạng lưới Không khí sạch tổ chức Khóa tập huấn huấn “Hiểu về không khí sạch 2020” tại Hà Nội và Quảng Ninh trong 2 ngày 12-13/10/2020. Với nội dung cập nhật hơn, “Hiểu về không khí sạch 2020” đã cung cấp các thông tin chính xác và khách quan về chủ đề ô nhiễm không khí cho 26 nhà báo, phóng viên; đồng thời tạo cơ hội cho các nhà báo, phóng viên kết nối với các chuyên gia để tiếp cận thông tin về thực trạng cũng như các giải pháp cải thiện chất lượng không khí; từ đó xây dựng sản phẩm truyền thông hiệu quả và ý nghĩa với chính sách và công chúng.

“Hiểu về không khí sạch 2020” bao gồm phần trao đổi cùng chuyên gia và chuyến đi thực địa tới nhà máy. 

Phần tập huấn chia làm 2 phần chính: 

Phần đầu tiên bao gồm kiến thức về ô nhiễm không khí, từ định nghĩa, các chất gây ô nhiễm không khí, tác động và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đến chỉ số chất lượng không khí và các chính sách quản lý ô nhiễm không khí. 

Phần thứ hai tập trung vào cách truyền thông về không khí sạch, bao gồm phân tích những sai lầm phổ biến khi đưa tin trên phương tiện truyền thông, phương pháp tìm kiếm thông tin về ô nhiễm không khí và phối hợp với các chuyên gia.

Trong phần tham quan thực tế, người tham gia được tham quan khu trải nghiệm Panasonic – địa điểm tổ chức khóa tập huấn tại Hà Nội. Qua hướng dẫn của đại diện trung tâm, học viên khóa tập huấn đã có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm một số sản phẩm và công nghệ giúp giảm ô nhiễm không khí trong nhà như máy điều hòa có chức năng lọc bụi mịn, giảm nồng độ CO2, khử mùi. Từ đó, học viên biết thêm về các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và cơ chế hoạt động của một số loại công nghệ làm sạch không khí. 

Ngoài ra, nằm trong chương trình của khóa tập huấn, các giảng viên, học viên đã cùng nhau có chuyến thăm Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I ở Quảng Ninh. Tại đây, các học viên được quan sát thực tế việc quan trắc tự động các dữ liệu nước thải, khí thải, nước làm mát mà trước đó vừa được học lý thuyết, đồng thời tìm hiểu về các vận hành nhà máy và một số thực hành công tác môi trường tại đây như sử dụng công nghệ lò hơi CFD thân thiện với môi trường hơn, xử lý nước đạt tiêu chuẩn, thí nghiệm tái sử dụng nước, sử dụng công nghệ ESV lọc bụi tích điện để xử lý khí thải, trồng cây để phủ xanh nhà máy… Các thông số về môi trường được chuyển về Sở TNMT Quảng Ninh và hiển thị ở trên màn hình trước cửa và trong nhà máy. Thông qua phần đối thoại giữa Ban quản lý nhà máy và nhà báo, phóng viên, các nhà báo bày tỏ mong muốn được tiếp xúc, tiếp cận nhiều thông tin hơn. Từ phía nhà máy cũng đề xuất các bên chủ động làm việc hơn và sẵn sàng cung cấp thông tin. 

Cuối khóa tập huấn, các diễn giả và học viên cùng chia sẻ quan điểm về việc một số bài báo đưa thông tin, hình ảnh chưa chính xác về tình trạng ô nhiễm không khí, chính sách quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội. Việc này khiến một bộ phận dư luận hiểu sai và có phản ứng tiêu cực với các nỗ lực của cơ quan quản lý, nhà khoa học, dẫn đến việc hoãn hoặc hủy triển khai một số chương trình, công nghệ giúp nâng cao chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Để góp phần giải quyết sự cố này, một số nhà khoa học đã chủ động liên hệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn với các phóng viên; cơ quan quản lý nhà nước cũng đã gửi văn bản phản hồi các thông tin sai lệch tới các đơn vị báo chí, truyền thông để cải chính thông tin đối với báo chí và công chúng nói chung. Về phía báo chí, các phóng viên, nhà báo tại buổi thảo luận bày tỏ mong muốn được gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan quản lý, nhóm chuyên gia trong nước để tiếp cận và thu thập thông tin, kiến thức chính xác.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x