Sáng ngày 15/12, Chương trình tập huấn “Nhận diện yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường sức khỏe và các biện pháp cải thiện an toàn – vệ sinh lao động trong doanh nghiệp cơ khí tại Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội” đã được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn Rùa Hạ với hơn 40 người tham dự là các đại diện của những hộ gia đình/doanh nghiệp sản xuất cơ khí. 

Nghiên cứu của các thầy cô trường Đại học Thăng Long được thực hiện năm 2016 – 2017 tại làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy cho thấy, việc tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện môi trường lao động của các cơ sở sản xuất cơ khí chưa nghiêm ngặt và chưa được quan tâm đúng mực. Các thông số môi trường làm việc, như tiếng ồn và ánh sáng, vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép, bên cạnh đó là bụi kim loại, chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí và sức khỏe của hoạt động sản xuất cơ khí là cần thiết, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững tại địa phương.

Trong buổi tập huấn, các cô, bác được nghe báo cáo thực trạng môi trường, điều kiện an toàn – vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại xã, từ đó cùng nhau nhận diện yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường, sức khoẻ của người dân và đưa ra các phương pháp nâng cao hiệu suất lao động nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, môi trường làm việc. Dự án được thực hiện bởi Nhóm các thầy cô nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Thăng Long, dưới sự hỗ trợ của Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch – Thành phố xanh”.

Các hoạt động can thiệp nhóm dự án đã và đang thực hiện tại địa phương:

1) Tổ chức lớp tập huấn về “Nhận diện yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường, sức khoẻ của hoạt động sản xuất cơ khí, và các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu”.

2) Tổ chức hoạt động truyền thông về các yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường, sức khoẻ của hoạt động sản xuất cơ khí và các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu.

+ Xây dựng nội dung chương trình truyền thông và cho phát thanh hàng tuần trên loa của làng nghề trong 3 tháng.

+ Tư vấn các phương pháp cải thiện cải thiện điều kiện, môi trường lao động trực tiếp cho các cơ sở sản xuất cơ khí nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh (lựa chọn 5-10 cơ sở sản xuất).

3) Đánh giá kết quả chương trình tập huấn, truyền thông, sử dụng phiếu đánh giá trước và sau “Hiểu biết của người dân về yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường, sức khoẻ của hoạt động sản xuất cơ khí và các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu”.  


Dự án được tài trợ bởi Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch – Thành phố xanh”. 

Hiện tại Quỹ sáng kiến “Thanh niên hành động vì khí hậu” đang kêu gọi nộp đề xuất tài trợ với hỗ trợ lên đến 30 triệu đồng/ đề xuất. Quỹ sáng kiến được thực hiện bởi Mạng lưới Thế Hệ Xanh, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Hội Đồng Anh Việt Nam.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x