Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, Thế hệ Xanh lại thấy được nhiều hơn “những người ngược nắng” sẵn sàng đồng hành cùng mình. Họ không chỉ là những nhà khoa học nghiên cứu về môi trường, hay những bạn nhỏ quan tâm đến sống xanh cùng bố mẹ,… mà họ còn là những nông dân luôn học hỏi mày mò giải pháp mới, những chị em phụ nữ năng nổ chia sẻ tuyên truyền, hay những doanh nghiệp không quản ngại nắng gió góp từng chút.
1. Người dân ngược nắng
Vào một ngày cuối tháng 5 nóng đổ lửa của Hà Nội. Trong một cánh đồng lớn ở huyện Chương Mỹ, rất dễ dàng bắt gặp nhiều bà con nông dân đang đốt nhanh rơm để giải phóng đồng, nhưng ở một góc khác của cánh đồng, cô Tuyết cùng chồng lại chọn việc làm khác đi. Cô chú cố gắng thu rơm trên đồng về cho bò. Công việc này tuy mất công giữa trời nắng nóng nhưng sản phẩm thu được thì có thể vừa giúp việc nhà, vừa giúp việc nước.
Cô Tuyết chia sẻ: “Tuy giờ rơm này không còn là thức ăn ưa chuộng của bò nhưng cũng dùng được một phần, một phần khác để ủ cùng phân chim hay dùng để giữ giống cây cho vụ sau. Gốc rạ còn lại sử dụng chế phẩm. Mấy năm nay cô chú dùng rồi – vãi chế phẩm ra rồi chờ nước (khoảng 20-30 phân nước vào ruộng). Dùng cái đó cũng giúp giảm ốc nhiều. Giờ còn mươi – mười lăm ngày nữa là cấy vụ mới rồi nên cố gắng xử lý cho nhanh.”
2/ Hội nhóm tiên phong “ngược nắng”
Truyền thông hướng bà con đến các giải pháp xử lý mà không đốt rơm rạ là một câu chuyện dài và liên tục cần nhắc lại. Hội phụ nữ/hội nông dân cũng là những người như vậy. Không chỉ một vụ, một năm mà kiên trì “mưa dầm thấm lâu” luôn là tôn chỉ đi đường dài trong hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi được là phải cùng bà con làm đi làm lại nhiều lần, nhiều năm.
Ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, nhà cô Trần Thị Thao đã làm vụ này là vụ thứ 2. Cô được Hội phụ nữ khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học và gom rơm ủ đống để lấy phân bón về cho rau màu. Cô chia sẻ: “Làm thế này vất vả (phải cắt gốc rạ rồi nắng nóng hỏng bạt cơ mà, còn phải công đảo ủ mấy lần). Nhiều người vụ này đã không còn làm nữa nhưng cô vẫn làm. Ủ rơm rồi khi thối cho vào bạt mang về trồng rau, trồng hoa tốt lắm. Đây là phân hữu cơ giúp giảm được bón đạm mà phân đó cũng không tốt như phân này. Rau ngọt hơn, thơm hơn và ăn cũng thấy an toàn hơn. Rơm còn để ngoài đồng thì bón cho lúa vụ sau cũng tốt, đỡ được một nửa tiền phân.”
3. Doanh nghiệp ngược nắng
Cuốn rơm là một giải pháp đã được áp dụng phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Nhưng ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thì giải pháp thu cuốn còn gặp nhiều khó khăn khi diện tích cánh đồng nhỏ, nhiều nơi trũng ướt, thị trường sử dụng rơm rạ bó hẹp… Ấy vậy nhưng vẫn có những doanh nghiệp sẵn sàng “ngược nắng” áp dụng giải pháp này như Công ty Máy Phố Hiến hay Công ty T&T159.
Gặp lại anh Sơn cuối ngày làm việc khi anh đã gầy, đen sạm và không còn nhiều năng lượng. Sự tiếc nuối trong chia sẻ của anh lay động rất lớn đến những người đồng hành như chúng tôi: “Em thấy đấy, anh cũng cố gắng nhưng làm không xuể. Anh đưa 3 máy về, làm liên tục từ sáng sớm đến khi trời tối hẳn. Đêm thắp đèn được, anh cùng bà con cũng động viên nhau làm. Thôi thì mỗi người cố gắng một chút, giúp mình – giúp người – giúp cả môi trường nữa. Không vội, anh cùng bà con cố gắng làm được bao nhiêu mừng bấy nhiêu.”
Mô hình anh Sơn hay các công ty áp dụng đều là đưa máy về và chuyển giao công nghệ để bà con cùng nắm thông tin rồi cùng làm. Công ty thường có 1-2 người hỗ trợ kỹ thuật còn lại là người dân cả (từ lái máy, dọn đồng, thu gom, sửa chữa khi có sự cố…). Nhóm người dân tham gia có cả người lớn tuổi, các bạn trẻ cả nam và nữ cùng tham gia. Mỗi người góp một chút, động viên nhau và mong trong 20 ngày tới sẽ có nhiều cánh đồng sẽ được thu gom và hạn chế đốt rơm rạ.
Mỗi người đều có thể góp 1 phần nhỏ bé nào đó cùng gìn giữ môi trường sống và trở thành những CÔNG DÂN XANH tạo nên nhiều THẾ HỆ XANH cho thủ đô.