Không khí Hà Nội ô nhiễm thế nào?

Để cập nhật, chia sẻ các nghiên cứu, giải pháp về cải thiện chất lượng không khí đã và đang được triển khai trên địa bàn thành phố, từ đó xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong thời gian tiếp theo cho thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế Giới (World Bank), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức hội thảo “Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội – Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp”.

Hội thảo có 81 người tham dự từ các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ cấp bộ / thành phố trực thuộc trung ương, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương, cơ quan phát triển, đại sứ quán, chuyên gia trong và ngoài nước… Điểm nổi bật của hội thảo này là kết quả nghiên cứu về các nguồn phát thải ô nhiễm không khí và cập nhật về các giải pháp không khí sạch hướng tới phát triển kế hoạch Quản lý Chất lượng Không khí (AQM) chiến lược cho Hà Nội. 

Các báo cáo môi trường và kiểm kê không khí Hà Nội từ năm 2015 đến nay cho thấy, nồng độ trung bình năm của bụi mịn PM2.5 đạt trị cao trên 50 µg/m³ tại trung tâm Hà Nội. Con số này cao gấp đôi tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí ngoài trời (NAAQS) đối với giá trị trung bình bụi mịn PM2.5 (25 µg/m3). 
Nồng độ PM2.5 của Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030.
 
Kiểm kê nguồn phát thải bụi mịn cho thấy, hoạt động công nghiệp đóng góp 29% tổng lượng bụi mịn PM2.5 ở khu vực Hà Nội.

Các nguồn thải khác bao gồm đốt rơm rạ, sinh khối ngoài trời đóng góp 26%, bụi đường đóng góp 23% và giao thông, chủ yếu giao thông đường bộ đóng góp 15%. Các nguồn đóng góp vào tổng lượng PM2.5 khác bao gồm từ quá trình đốt từ các hộ gia đình, từ các làng nghề và đốt rác thải.

⅓ lượng bụi mịn PM2.5 đến từ các nguồn thải tại địa bàn Hà Nội, và ⅔ còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, vận chuyển quốc tế và các nguồn tự nhiên.
Để tiêu chuẩn không khí Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới, báo cáo khuyến nghị Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh lân cận thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.


Chi phí y tế & phúc lợi xã hội do các bệnh do bụi mịn PM2.5 chiếm 7,74% Tổng Sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội.

Ngoài ra, thống kê trên 15 tỉnh khu vực phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, 8 tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng và 4 tỉnh khu vực miền núi và Bắc Trung Bộ, chỉ riêng Hà Nội chiếm tới 32% tổng số ca tử vong do các bệnh do gây ra do tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 lâu ngày, cao thứ hai sau khu vực Đồng Bằng Sông Hồng (41%).

 

Theo World Bank
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x