Ngày 14/04/2022, Chương trình tham quan thực địa và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị xanh đã được tổ chức giữa thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Đây là hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội và Đà Nẵng, UBND quận Hoàn Kiếm và UBND huyện Đông Anh cùng các tổ chức: Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Chương trình Thành phố Sạch – Đại dương xanh (CCBO) trong khuôn khổ hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa kỳ (USAID).
Đà Nẵng đang thực hiện đề án Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1099/QĐ-UBND Đà Nẵng. Nhận được báo cáo của Trung tâm Live&Learn về các kinh nghiệm triển khai chương trình xử lý rác hữu cơ tại Đông Anh, chương trình Trường học Xanh và chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe máy cùng các kinh nghiệm tương đồng giữa hai thành phố, Sở Tài Nguyên & Môi trường Thành phố Đà Nẵng đã đề xuất chương trình tham quan thực địa và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải, xây dựng đô thị xanh tại thành phố Hà Nội với mục tiêu học hỏi quá trình triển khai các mô hình, sáng kiến của các địa phương, cộng đồng tại Thành phố Hà Nội như quản lý rác thải, trường học xanh, giao thông xanh và không gian xanh.
Chương trình làm việc được chia làm hai phần: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra tại huyện Đông Anh và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị xanh diễn ra tại quận Hoàn Kiếm.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phân loại, xử lý rác thải tại huyện Đông Anh
Đông Anh là một trong những quận/huyện thực hiện thí điểm thành công nhất chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà của Hà Nội. Bên cạnh những kết quả ấn tượng về lượng rác thải sinh giảm nhờ phân loại và xử lý tại nhà và số lượng hộ gia đình tham gia ngày càng tăng thì mô hình xử lý rác tại Đông Anh còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn: ban đầu các hộ còn ngại khó và bất tiện, nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nhà, và đặc biệt, đã sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt … (Xem thêm)
Tham gia chương trình, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đã được tham quan thực địa tới xã Dục Tú & xã Cổ Loa, huyện Đông Anh rồi trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của người dân và nhóm cán bộ nòng cốt tại địa phương về quá trình triển khai mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà.
(Cán bộ môi trường thành phố Đà Nẵng tham quan mô hình xử lý rác tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh)
(Cán bộ môi trường thành phố Đà Nẵng tham quan mô hình xử lý rác tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh)
Từ phía thành phố Đà Nẵng, các đại biểu đều ấn tượng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, cùng với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo cho tới đoàn thể tại địa phương như Hội Phụ nữ, Hội nông dân,… và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp như Trung tâm Live&Learn, Lagom. Từ đó, Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm với việc áp dụng mô hình cho các quận/huyện và đưa ra nhiều câu hỏi về cách thức triển khai cũng như những khó khăn trong quá trình thí điểm chương trình phân loại và xử lý rác tại nhà và hướng giải quyết.
Ông Nghiêm Thọ Thoan – đại diện phòng TNMT huyện Đông Anh chia sẻ rằng: Về chi phí thực hiện, Đông Anh triển khai từng bước và lấy ngân sách của huyện chi trả cho tập huấn và men vi sinh/chế phẩm. Chế phẩm có giá 30k/gói, đường cũng rất sẵn, do đó, chi phí bỏ ra để làm men không đáng kể. Kinh phí này hiện nay huyện đang hỗ trợ cho nhân dân nhưng sau này huyện không hỗ trợ, và người dân thực hiện thành công, thấy được lợi ích thì chúng tôi tin sẽ các hộ đều sẽ tiếp tục duy trì. Thùng ủ lấy nguồn chi từ xã hội hoá hoặc người dân tự chủ động, tận dụng tái chế thùng cũ.
Người dân cũng rất sáng tạo trong quá trình thực hiện. Lúc đầu địa phương triển khai ủ theo hộ, sau đó khi gặp phải một số bất cập, người dân đã tự nghĩ ra sáng kiến ủ theo cụm, thậm chí còn cò hộ đi xin rác hàng xóm về ủ. Mỗi địa phương sẽ có mặt bằng khác nhau do đó có cách làm khác nhau.
Về chất lượng phân bón, huyện đã lấy mẫu kiểm định và có kết quả đảm bảo tiêu chuẩn phân hữu cơ. Trong quá trình tập huấn, người dân được hướng dẫn kỹ thuật rất rõ ràng. Tập huấn tốt chắc chắn sẽ phân bón thu được sẽ có hiệu quả sử dụng cao.
(Cán bộ môi trường thành phố Đà Nẵng tham gia phiên hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp quản lý rác thải với cán bộ môi trường huyện Đông Anh)
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị xanh diễn ra tại quận Hoàn Kiếm
Bên cạnh giải pháp về quản lý rác thải, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị xanh giữa thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng diễn ra tại quận Hoàn Kiếm, các chủ đề khác như giao thông xanh, không gian xanh và trường học xanh đã được các đại biểu từ hai thành phố thảo luận sôi nổi và thẳng thắn.
Thành phần đại biểu tham dự gồm có:
Về phía TP. Hà Nội có Ông Phạm Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Ông Mai Trọng Thái – Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội; Bà Đào Thị Anh Điệp – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội; Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.
Về phía TP. Đà Nẵng có Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng; Ông Trần Viết Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng.
Về phía các tổ chức có Ông Nguyễn Đức Dương – Cố vấn phòng biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, Cơ quan phát triển quốc tế Hòa Kỳ tại Việt Nam (USAID); Bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn); Bà Đặng Thùy Trang – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR).
Cùng đại diện của các phòng, ban, đơn vị, UBND các quận/huyện, các tổ chức chính trị – xã hội của 2 thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.
(Ông Phạm Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc hội thảo)
(Bà Lê Thanh Thủy – Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chia sẻ các kinh nghiệm của thành phố Hà Nội trong việc thúc đẩy các giải pháp xanh vì một Hà Nội khỏe mạnh và đáng sống)
(Bà Nguyễn Diệu Ánh – Phó phòng Giáo dục và đào tạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ chương trình Trường học xanh tại thành phố Hà Nội)
(Bà Trịnh Minh Phương – đại diện UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ về mô hình Biến bãi rác thành khu vực sinh hoạt cộng đồng ở khu vực bờ vở Sông Hồng)
Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng: Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn, những vấn đề này tập trung ở khu đô thị lớn và đang phát triển mạnh như Hà Nội hay Đà Nẵng. Cái chính là nhận thức của các cấp lãnh đạo, cần ưu tiên cho tiêu chí phát triển. Bên cạnh ngân sách thành phố, thì có thể huy động nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội, mà huy động tốt thì sẽ không thiếu nguồn lực về nhân sự và kinh phí để làm. Đầu tư cho môi trường là vấn đề lâu dài, không phải là kết quả trước mắt, những vấn đề này, trải qua rất nhiều năm. Hôm nay những vấn đề trao đổi về rác hay giao thông đã diễn ra rất lâu, chúng ta mới chỉ tập trung vào phát triển nóng đô thị mà chưa quan tâm đến môi trường. Không thể nóng vội nhưng cũng phải bắt đầu từ bây giờ, từ nhận thức, giáo dục cho đến các cấp lãnh đạo.
(Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đại diện cho TP. Hà Nội chia sẻ tại buổi Hội thảo)
Sau khi lắng nghe các chia sẻ từ thành phố Hà Nội, Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng đại diện cho đoàn Đà Nẵng phát biểu rằng: Các mô hình của Hà Nội, Đà Nẵng hoàn toàn có thể học hỏi được. Bảy quận/huyện của Đà Nẵng tham gia chuyến đi học hỏi này đều thấy những điểm hay để có thể mang về áp dụng tại địa phương. Ở mô hình tại Đông Anh, chúng tôi nhận ra là phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp lãnh đạo và vào cuộc quyết liệt của các hội đoàn thể thì mới thành công được. Vai trò của các đơn vị tư vấn là cũng rất quan trọng, qua đây tôi mong sẽ có những tổ chức như Trung tâm Live&Learn có thể trực tiếp hỗ trợ Đà Nẵng triển khai mô hình xử lý rác hữu cơ. Về chương trình trường học Xanh, chúng tôi rất nể phục sự chuyên nghiệp và quy mô của chương trình. Dự án cải tạo khu bờ vở sông Hồng cũng vậy. Các mô hình này nhân rộng ở Đà Nẵng rất tốt, chúng tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo để có thể sớm triển khai các mô hình.
(Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng đại diện cho đoàn Đà Nẵng chia sẻ tại buổi Hội thảo)
Trong thời gian ngắn nhưng chương trình đã tạo cơ hội cho các cán bộ môi trường hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng được tham quan và học hỏi nhiều mô hình tiêu biểu tại thành phố Hà Nội, hứa hẹn sẽ có thêm những giải pháp hướng tới xây dựng đô thị xanh cho Đà Nẵng trong thời gian tới.