Dừng đốt rơm rạ: Cần cái nhìn hệ thống

Chúng ta vẫn nghĩ rơm rạ là vấn đề của nông dân… Nhưng chuyện không đơn giản như vậy, xử lý hàng triệu tấn rơm rạ ở miền Bắc đòi hỏi phải có một cái nhìn hệ thống, thậm chí phải tổ chức sản xuất sao việc xử lý rơm rạ phù hợp với đặc điểm thời tiết thất thường, đồng ruộng manh mún, có thị trường để đưa rơm rạ thành hàng hóa. 

“Nông dân cũng không muốn đốt rơm rạ đâu” là điều mà cả đại diện người dân ở huyện Sóc Sơn, nhà khoa học và doanh nghiệp nói với chúng tôi trước khi bắt đầu tọa đàm “Đốt rơm rạ: Đừng để lãng phí vàng mười và những bài học từ cộng đồng”. 

Trước đây rơm rạ vừa làm thức ăn chăn nuôi, vừa làm chất đốt cho từng gia đình nhưng hiện nay máy cày thay trâu, căn bếp hiện đại không ai còn đốt rơm. Đơn cử, chỉ tính riêng huyện Sóc Sơn, sau vụ Đông Xuân còn lại hơn 1/3 trong số 57 nghìn tấn rơm rạ ở cánh đồng lúa “không biết xử lý như thế nào”. Dù các hộ nông dân cố thu gom ủ đống nhưng đến giờ mới chỉ đủ khả năng ủ một nửa làm phân bón, 11% làm thức ăn cho gia súc, làm nấm rơm chỉ chiếm vài phần trăm không đáng kể. Tính chung Hà Nội, dù rất nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn 20% rơm rạ chưa thể xử lý.

Ở miền Bắc nói chung, có cả triệu tấn rơm bị đốt. Thử một phép tính đơn giản, mỗi cuộn rơm được bán với giá vài nghìn cho ngành chăn nuôi đại gia súc là đã mang lại hàng chục nghìn tỉ đồng. Thế nhưng bài toán xử lý hoặc thu gom rơm rạ lại quá khó mà chỉ mình người nông dân không thể tự giải quyết được

Một giải pháp khả thi mà Học viện Nông nghiệp VN đang làm là đưa chế phẩm vi sinh để xử lý rơm trở thành phân bón giàu dinh dưỡng hoàn trả cho ruộng đồng. Theo chị Nguyễn Thị Yên (Trung tâm NN hữu cơ, Học viện NN VN), chỉ một nửa kg chế phẩm này xử lý rơm rạ được cho ba sào Bắc Bộ và giúp giảm được khoảng 30% phân bón cho vụ sau. 

Quá trình phân giải của các chủng vi sinh vật này giúp hạn chế sinh ra khí H2S và CH4, giảm ngộ độc hữu cơ trong đất, giảm phát thải cho môi trường, đồng thời kiềm chế nấm, vi sinh vật có hại, giúp cải tạo đất. Do đó, cách làm này cũng giúp nông dân vơi nỗi lo không đốt rơm rạ trên đồng có thể sẽ không diệt được sâu bệnh

Nhưng, nếu trời nắng chang chang thì không lấy đâu nước cho si vinh làm việc của mình. Còn nếu sử dụng hệ thống thủy lợi thì lại vướng khâu tổ chức sản xuất: trên cùng một cánh đồng, các ruộng không gặt cùng ngày, muốn tháo nước phải chờ cả làng cùng tháo nước.

Giải pháp thứ hai là thu rơm làm đầu vào cho một chuỗi sản xuất mới. Mấu chốt là phải cuốn rơm bằng các máy cuốn nhỏ phù hợp với ruộng đồng manh mún ở miền Bắc như cách mà anh Nguyễn Tường Hưng, công ty Máy Phố Hiến đang làm. Anh mang máy cuốn đi “xin rơm” hoặc nhận thầu bao tiêu rơm cho một số điểm ở miền Bắc. 

Nhưng nếu chỉ một cơn mưa xuống là cả máy cuốn và thợ máy phải …ngồi chơi chờ nắng lên. 

Mặt khác, việc thu gom rơm rạ ở miền Bắc cũng vấp phải nghịch lý hầu như chưa có chuỗi thu mua rơm rạ hay phân bón ủ từ rơm (trong khi các trại chăn nuôi đại gia súc miền Bắc đang thiếu rơm và còn phải lặn lội mua rơm tận miền Nam).

Nhưng dù áp dụng giải pháp nào thì người nông dân chỉ có chưa đầy 20 ngày để thu gom, xử lý để bước vào vụ mới trong bối cảnh miền Bắc mưa nắng rất bất chợt. 

Những mảnh ghép nói trên cho thấy, để giải quyết vấn đề rơm rạ, không chỉ cần giới thiệu các giải pháp kỹ thuật đơn lẻ mà điều quan trọng hơn là việc thiết lập một đường nối liền mạch mà ở đó, những người nông dân sẵn sàng thu gom có thể gặp gỡ được những người có giải pháp kỹ thuật và những doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận nguồn rơm rạ để đưa nó thành nguyên liệu đầu vào cho một chu trình sản xuất mới như phân hữu cơ, giá thể trồng nấm hoặc sinh khối… 

Chưa kể, ngay cả việc tổ chức sản xuất cũng phải được tối ưu cho lấy rơm rạ: cùng cấy, gặt một thời điểm, cùng phơi ruộng hoặc ngâm ruộng một thời điểm. 

Đó đều là những câu hỏi để ngỏ, mà chúng tôi mới chỉ xới xáo lên trong một tọa đàm nhỏ.

Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm: 

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x