Những năm gần đây, hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt diễn ra khá phổ biến tại huyện/thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội làm phát sinh khí CO2, CO3 và bụi mịn PM2.5… gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường, sức khỏe và hoạt động giao thông vận tải. Để kiểm soát các hoạt động này, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, từ đó, từng bước giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Chỉ thị đặt mục tiêu đến ngày 01/01/2020 trên địa bàn Thành phố không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định theo lộ trình cụ thể như sau:
Ngày 4/11, Sở Tài nguyên và Môi trường và Live & Learn đã tổ chức hội nghị “Đánh giá ảnh hưởng của đốt rơm rạ tới môi trường và tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước triển khai Chỉ thị 15” với sự tham gia của UBND các quận, huyện, thị xã, chuyên gia và doanh nghiệp giải pháp để cùng thảo luận về hướng thực hiện mục tiêu Chỉ thị. Thông qua buổi hội nghị, đại biểu tham dự được cập nhật về kết quả khảo sát và hiện trạng đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố năm 2020, giới thiệu và chia sẻ một số giải pháp hạn chế đốt rơm tại địa phương cũng như các giải pháp xử lý rơm rạ của các Doanh nghiệp và Đơn vị chuyển giao công nghệ. Khép lại buổi họp, toàn hội nghị bàn luận và thống nhất về cơ chế phối hợp giám sát quá trình thực thi và các bước tiếp theo cho năm 2021.
Trong tháng 10 và 11/2020, Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn hướng tới thực hiện chỉ thị 15h. Các giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã được tổng hợp, thông tin tới chính quyền và người dân ở các huyện Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Đông Anh, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Tại huyện Sóc Sơn, với vị trí gần sân bay Quốc tế Nội Bài, người dân đốt rơm rạ còn gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất, hạ cánh. Live & Learn đã hợp tác cùng Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn tổ chức 8 buổi truyền thông tại 4 xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Tân Hưng về Chỉ thị 15 và hiện trạng, tác hại và các giải pháp thay thế hoạt động đốt rơm rạ. Sau khi được cung cấp thông tin và thảo luận lựa chọn giải pháp, người dân được hướng dẫn xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh trực tiếp trên đồng ruộng. Cụ thể, các hoạt động truyền thông và tập huấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn ghi nhận gần 1.000 người tiếp cận thông tin trực tiếp, khoảng 600 hộ nông dân đăng ký tham gia dự án và cam kết không đốt rơm rạ, và hơn 150 ha không đốt rơm rạ vụ mùa 2020 trên địa bàn 4 xã.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Yến, một người dân xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn được thí điểm giải pháp này trên đồng ruộng của mình, bà nhận thấy nhiều kết quả tích cực như chất đất tốt hơn, đất không còn bị dẽ như trước nên công cày và dằm cũng giảm bớt, chi phí mua đạm cũng không còn nhiều, cây cũng khỏe và đẹp hơn. Bà Yến cho biết, trong tương lai bà sẽ tiếp tục triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh và kêu gọi thêm nhiều người khác cùng làm, không những đem lại lợi ích cho bản thân mà còn tránh đốt rơm rạ, không gây ảnh hưởng đến môi trường và mọi người xung quanh.
Không chỉ có những tín hiệu tích cực từ sau chỉ thị 15 nêu trên, Thành phố cũng có những đơn vị đi đầu trong công tác hạn chế tình trạng đốt rơm rạ từ lâu. Cụ thể, nhận thấy tác hại của việc đốt rơm rạ, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã kết hợp với các phòng ban chuyên môn tại huyện xây dựng kế hoạch triển khai có sự chung tay hành động của các ban, ngành, đoàn thể. Cụ thể, Bí thư, Chủ tịch xã là những người trực tiếp thực hiện; Hội Nông dân nòng cốt cùng phối hợp thông qua việc đi đến từng xã, thôn để hướng dẫn triển khai xử lý. Ngoài ra cũng có sự đồng hành của công an xã trong việc giám sát và xử lý đối với những trường hợp còn cố tình đốt rơm rạ trái quy định. Trước mỗi mùa vụ, chính quyền xã, thôn sẽ truyền thông cho bà con thông qua hệ thống loa phát thanh và vận động người dân ký cam kết không đốt rơm rạ. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cũng cử cán bộ đi tới từng nhà để nhắc nhở người dân. Những hộ không chấp hành sẽ bị phê bình, kiểm điểm trên loa phát thanh ở địa phương. Nhờ những nỗ lực chung tay và quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể huyện Đan Phượng, hiện nay trên địa bàn huyện tình trạng đốt rơm rạ trái quy định không còn phổ biến; thay vào đó người dân đã chủ động sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ.
Trong thời gian tới, Live & Learn sẽ tiếp tục làm việc và kết nối các quận, huyện, thị xã với doanh nghiệp giải pháp để thúc đẩy truyền thông/ tập huấn cùng các mô hình thí điểm cho bà con nông dân tiếp cận và được hướng dẫn tốt hơn, hướng tới mục tiêu năm 2021 không còn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp trái quy định trên địa bàn thành phố Hà Nội.