Theo “Báo cáo tổng kết đề tài Xây dựng Bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng bản đồ lan truyền chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ (Chỉ tiêu bụi mịn PM 2,5 và CO2, tỉ lệ 1:500.000)” (RSOB), trong vụ Đông – Xuân năm 2020, tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trung bình là 20%.
Tại Hà Nội, khoảng từ 20/5 – 10/6 là thời gian thu hoạch cao điểm vụ lúa Đông – Xuân và đây cũng là vụ có sản lượng lúa lớn nhất trong năm. Theo báo cáo RSOB, vụ Đông – Xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố là 67.493 ha, chiếm 20% diện tích canh tác lúa được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội (Hình 1). Tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn và để lại gần 385 ngàn tấn rơm rạ tươi.
Tuy nhiên vì người dân vẫn có nhu cầu cần giải phóng nhanh đồng ruộng cho kịp chuẩn bị vụ Mùa nên vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ trên cánh động ở nhiều nơi. Theo đó, trung bình tỷ lệ đốt rơm rạ vụ Đông – Xuân năm 2020 được tính toán là khoảng 20%. Trong đó, các quận, huyện có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao nhất là Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì, từ khoảng 30-60%.
Theo phương pháp mô hình hóa và kiểm kê khí thải, kết quả tính toán cho thấy tổng lượng bụi phát sinh trong điều kiện thực tế đối với vụ Đông – Xuân 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm 179,08 tấn PM10 và 163,3 tấn bụi mịn PM2,5.
Như vậy, bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội như nguồn từ giao thông, xây dựng, làng nghề thì bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là nguồn đóng góp đáng kể. Đây là vấn đề gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng do tính chất cục bộ và tập trung trong thời gian ngắn. Cao điểm chỉ trong 7-10 ngày.
“Báo cáo tổng kết đề tài Xây dựng Bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng bản đồ lan truyền chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ (Chỉ tiêu bụi mịn PM 2,5 và CO2, tỉ lệ 1:500.000)” do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) trong khuôn khổ dự án Chung tay vì Không khí sạch được tài trợ bởi USAID.