Khẩu trang và găng tay chống virus corona đã qua sử dụng đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nhựa, đe dọa môi trường đại dương và sự sống của các sinh vật biển.

Vào thứ tư, thống đốc bang New York, Andrew Cuomo đã ban hành sắc luật yêu cầu người dân New York phải đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng trong trường hợp nơi đó không thể giãn cách xã hội.

Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC khuyến cáo nên đeo khẩu trang vải nơi công cộng (dù tổng thống Trump nói rằng nó không bắt buộc và ông ta chẳng thấy nó có tác dụng gì do lo ngại sự lây nhiễm từ những người đã nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng.

Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Jerome Adams cảnh báo người dân Mỹ hãy ngừng mua khẩu trang y tế- loại dùng cho các nhân viên y tế. Thế nhưng cảnh báo này dường như không có nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn làn sóng sử dụng và thải bỏ khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần.

Trên mạng xã hội, người dân khắp nơi đăng tải hình ảnh của những chiếc găng tay màu xanh nhạt và khẩu trang nhàu nát bị vứt rải rác trên đường phố, trong xe đẩy hàng ở siêu thị, ở bãi đỗ xe, trên bãi biển và các khuôn viên xanh. Không ai khác ngoài những công nhân vệ sinh và nhân viên cửa hàng phải thu dọn chỗ rác này. Nếu không được thu gom, chúng có thể bị gió cuốn hoặc trôi xuống cống, cuối cùng sẽ đi ra đại dương hay các vùng nước khác.

Việc thải bỏ bừa bãi khẩu trang và găng tay đã qua sử dụng trong đại dịch không chỉ mang nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe, mà chúng còn chứa nhiều vật liệu không thể tái chế hay phân hủy sinh học. Khẩu trang phẫu thuật được làm từ vải không dệt chứa nhựa PP (polypropylene).

Theo NOAA, nhựa tàn phá hệ sinh thái biển. Khi bị xoáy vào trong nước, phần lớn chúng vỡ thành những mảnh nhỏ, được gọi là hạt vi nhựa.

Tổ chức Bảo tồn Đại dương phát hiện ra rằng nhiều loài cá ăn các mảnh rác nhựa do nhầm lẫn nó với thức ăn và ước tính rằng ít nhất 600 loài động vật hoang dã khác nhau đang bị đe dọa bởi ô nhiễm.

Vi nhựa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người do chúng đi vào chuỗi thức ăn, và có gần một tỷ người trên thế giới hiện sử dụng hải sản làm nguồn protein chính.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, khẩu trang và găng tay đã qua sử dụng góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề rác thải đại dương: ít nhất 8 triệu tấn nhựa thải ra các đại dương mỗi năm, chiếm tới 80% tổng lượng rác thải ở biển.

Các loài chim, rùa và động vật có vú khác ở biển thường nhầm lẫn màu sắc tươi sáng của găng tay cao su với thức ăn, khiến chúng có nguy cơ bị thương nặng và tử vong.

Hồi năm ngoái, trong bụng của một con cá nhà táng đã chết sau khi bị mắc kẹt trên một bãi biển ở đảo Harris Scotland, người ta tìm thấy khoảng 99,8 kg mảnh rác các loại trong đó có cả các bó dây thừng, găng tay nhựa, các loại túi và cốc.

Một dấu hiệu cảnh báo sớm về xu hướng đáng lo ngại này được đưa ra vào tháng 2, khi nhóm bảo tồn Oceans Asia đăng một bức ảnh về hàng chục khẩu trang phẫu thuật họ tìm thấy trên các bãi biển ở Hồng Kông trong một dự án nghiên cứu kéo dài một năm về các mảnh rác biển và hạt vi nhựa.

Người đồng sáng lập Gary Stokes trả lời phỏng vấn với tờ The Independent: “Những chiếc khẩu trang được tìm thấy chỉ là một phần của cuộc khủng hoảng rác thải ngày một lớn mà đại dương của chúng ta đang phải đối mặt. Không có gì tốt hơn hay xấu đi, mà đáng lẽ ra chúng không nên ở đó ngay từ đầu. Tôi đang chờ đợi để nghe tin về việc tìm thấy khẩu trang bên trong một động vật biển đã chết. Tôi không đặt câu hỏi về việc có khẩu trang hay không, mà là khi nào người ta tìm thấy nó mà thôi”.

Khẩu trang chống coronavirus trôi từ Trung Quốc đại lục và các nơi khác đến đang làm trầm trọng hơn vấn đề rác thải biển ở Hồng Kông. “Mọi người nghĩ rằng cần bảo vệ bản thân bằng việc đeo khẩu trang. Nhưng chúng ta không thể chỉ quan tâm đến bản thân, chúng ta cần quan tâm đến tất cả mọi người. Vứt khẩu trang bừa bãi là một hành động rất ích kỉ”, ông Cameron Tracey Read, người sáng lập nhóm Plastic Free Seas ở Hồng Kông phát biểu với tờ Reuters .

Có cùng mối quan tâm về rác thải nhựa, vào ngày 23/3, cô gái người Mỹ Maria Algarra đã khởi xướng chiến dịch hashtag có tên #TheGloveChallenge, kêu gọi mọi người gửi ảnh về rác thải nhựa cho mình để giúp theo dõi và nâng cao kiến thức về vấn đề vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng. (Cô ấy nói rõ rằng mọi người không nên nhặt lại những món đồ này trừ khi họ cảm thấy an toàn và họ có thiết bị bảo hộ cá nhân).

Algarra thành lập Clean This Beach Up tại Miami, Florida vào năm ngoái. Trước đại dịch COVID-19, phong trào đã tăng lên 1.600 người, từ học sinh trung học đến những người trên 80 tuổi, tình nguyện nhặt rác trên các bãi biển trên khắp các quận Miami-Dade và Broward.

Algarra nói với tờ The Independent rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, cô đã nhìn thấy hàng chục chiếc găng tay nhựa trôi nổi trong vịnh, trong bãi đậu xe và trên cây cầu Venetian Causeway nối từ Bãi biển Miami đến đất liền.

Là một phần của chiến dịch, Algarra nhận được 1.200 bức ảnh về găng tay nhựa bị vứt bỏ – không chỉ ở Miami mà còn ở các quận của thành phố New York, thậm chí ở Ý, Tây Ban Nha, Đức và New Zealand. Tính sơ bộ có đến hơn 1.800 chiếc găng tay chỉ riêng trong những bức ảnh này.

Cô đã nhận được rất nhiều hình ảnh từ Bồ Đào Nha, Pháp và New Jersey. Về sau, Algarra nói: “Tôi không thể tin vào mắt mình. Một cô gái đã gửi một đoạn video cho tôi. Cô ấy tìm thấy hơn 30 chiếc găng tay vứt trên đường từ ô tô của mình đến tận cửa chỗ cô định đến mua đồ”.

Algarra nói rằng găng tay là vấn đề đối với đại dương và đất liền. “Không chỉ gây rủi ro cho động vật hoang dã, găng tay đã sử dụng khi bị vứt lại trong xe đẩy hàng còn có thể khiến những người khác bị nhiễm bệnh, ví dụ như các nhân viên vệ sinh và những người mua khác”.

“Thử thách găng tay là một cách để giáo dục, khiến cộng đồng và loài người trở nên tốt đẹp hơn”.

“Chúng ta không thể mong đợi mọi người thay đổi hành vi của mình nếu họ không biết việc họ đang làm là sai”.

Cô cho biết thêm: “Nhựa vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn cho đến khi hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi. Chúng rất độc và có trong những thứ chúng ta ăn và uống”.

“Không có cách nào để thu dọn hạt vi nhựa. Một khi rác thải đi vào đại dương và vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, chúng gần như không thể thu hồi được.”

Tham khảo bài viết gốc: https://www.independent.co.uk/news/coronavirus-masks-gloves-oceans-pollution-waste-a9469471.html?fbclid=IwAR0EYlzizTI00ZuJCaSqaSe1Tfav_2RcY7YHydljrX2nXQjzUaKEAAk-SAM

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x