Theo báo cáo cập nhật của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, tính đến hết quý III/2021 còn khoảng 450 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 54.042 bếp (giảm 99,17 %) so với kết quả điều tra, khảo sát ban đầu năm 2017, và 91% so với khảo sát đầu năm 2019.

1. Kết quả thực hiện đến hết Quý III năm 2021 của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ

Theo báo cáo “Kết quả thực hiện tính đến hết Quý III năm 2021 Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn Thành phố” của 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, trong đó:

  • Nhóm 1: (xóa bỏ 100% bếp than tổ ong) gồm 19 quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Cầu Giấy, Long Biên, Phú Xuyên, Sơn Tây, Đông Anh, Phúc Thọ, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì.

  • Nhóm 2: (xóa bỏ >90%) gồm 09 quận, huyện: Mê Linh, Quốc Oai, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm

  • Nhóm 3: (xóa bỏ <90%) gồm 01 quận: Hà Đông.

  • Nhóm 4: huyện tái sử dụng bếp than tổ ong: Thạch Thất.

Song song theo Báo cáo giám sát của cộng đồng sử dụng Bản đồ Google về các điểm sử dụng bếp than tổ ong, tính đến thời điểm tháng 11/2021, số lượng bếp than tổ ong 10 Quận nội thành đã giảm 61% so với tháng 04/2021. Trong đó, nhóm 5 Quận nôi thành có tỷ lệ giảm cao nhất bao gồm Ba Đình (90%), Hoàn Kiếm (78%), Cầu Giấy (75%), Tây Hồ (73%), và Hai Bà Trưng (55%). Báo cáo lấy dữ liệu thực tế từ bản đồ theo dõi bếp than tổ ong – nền tảng trực tuyến này đã được Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng Đồng (Live & Learn) và các Tình nguyện viên xây dựng nhằm theo dõi việc sử dụng bếp than tổ ong trong thực tế. Các dữ liệu trên bản đồ được người dân cung cấp thông tin bằng cách chụp ảnh và nhập các địa chỉ hiện vẫn đang sử dụng than tổ ong. Các dữ liệu trong 03 đợt khảo sát (Tháng 12/2020, Tháng 04/2021 và Tháng 11/2021) được thể hiện tại: https://bit.ly/BandoThantoong. Theo đó, các điểm đỏ trên bản đồ (bao gồm hình ảnh, địa chỉ cụ thể) là những nơi vẫn sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và/hoặc kinh doanh dịch vụ, điểm xanh là những nơi đã sử dụng bếp than ở thời điểm khảo sát lần 1 và đã xóa bỏ vào thời điểm khảo sát lần 2 và lần 3.

Xem chi tiết sự thay đổi số lượng bếp than tổ ong của 10 Quận nội thành từ tháng 04/2021 đến tháng 11/2021 tại đây.

Hình 1: Số lượng bếp than tổ ong trên toàn thành phố đã giảm đi rõ rệt trong thời gian tháng 04/2021 và tháng 11/2021 nhưng chưa được xóa bỏ hoàn toàn

2. Các nỗ lực tập thể giảm thiểu bếp than tổ ong, cải thiện chất lượng không khí

Đạt được kết quả như trên là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo từ thành phố tới các quận/huyện/thị xã. Và đặc biệt, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân từ nhận thức tới hành động đã giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ bếp than tổ ong được thực hiện triệt để, số lượng bếp than giảm đi rõ rệt. Bên cạnh đó, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể và tổ chức phi chính phủ trong nước trong việc nâng cao năng lực thực thi, giới thiệu các giải pháp chuyển đổi sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường;

Người dân tham gia hội nghị truyền thông và nộp bếp than tổ ong tại quận Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm tháng 12/2020

Người dân tham gia Chương trình chuyển đổi bếp than tổ ong sang bếp ga tại quận Bắc Từ Liêm tháng 6/2021.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND vẫn chưa đạt chỉ tiêu loại bỏ được 100% trên địa bàn toàn thành phố. Cụ thể là vẫn chưa xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong tại một số quận/huyện như Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng, Sơn Tây, Hà Đông. Điều này có thể là do: việc sử dụng than tổ ong trong đun nấu đã trở thành thói quen lâu dài của người dân, đặc biệt là với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ gia đình gây nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi; một số quận huyện chưa có chỉ đạo sát sao và quyết liệt; kết quả báo cáo không sát với thực tế; hay do việc triển khai công tác truyền thông chưa được đầu tư, đồng bộ khiến các giải pháp hỗ trợ chưa nhận được đủ quan tâm để ứng dụng thực hiện. 

Tại một số địa bàn, theo báo cáo gửi về Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội, Quận đã xóa 100% bếp than tổ ong, nhưng trên thực tế, bản đồ theo dõi bếp than tổ ong tại khu vực đó vẫn xuất hiện các điểm đỏ – những nơi còn sử dụng than do người dân cung cấp. Điều đó cho thấy, các quận/huyện/thị xã cần sát sao hơn trong việc rà soát, đồng thời tiếp tục vận động, truyền thông để xóa bỏ hành vi còn sử dụng/ tái sử dụng than tổ ong trên địa bàn. Trong những trường hợp này, sự chung tay từ phía người dân trong việc cập nhật bản đồ theo dõi bếp than tổ ong trở nên rất hữu ích để góp phần vào công tác giám sát của các quận, huyện.

Hình 2: Bản đồ khảo sát than tổ ong tại quận Ba Đình (dữ liệu cập nhật đến tháng 11/2021).

Hình 3: Bản đồ khảo sát than tổ ong tại quận Bắc Từ Liêm (dữ liệu cập nhật đến tháng 11/2021)

3. Các việc cần làm tiếp theo

Cho đến nay, tác hại của bếp than tổ ong tới sức khỏe cộng đồng và môi trường là điều không còn xa lạ. Mỗi người dân đã từng bước thay đổi về nhận thức, thói quen và cùng chia sẻ thông tin, hành động tới những người xung quanh để chung tay bảo vệ sức khỏe và môi trường không khí Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, đối với các quận, huyện, thị xã còn tồn tại bếp than tổ ong như Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng,… chính quyền cần tăng cường chỉ đạo để xử lý dứt điểm trong quý IV/2021, đồng thời đẩy mạnh truyền thông và kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân chuyển đổi, cam kết KHÔNG còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn. Đối với những quận, huyện đã xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong theo báo cáo, cần theo dõi sát sao tình trạng tái sử dụng bằng cách thu thập thông tin trên bản đồ giám sát và có phương án xử lý triệt để.

Trong năm 2021, Live & Learn tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị quản lý, đoàn, hội tại các địa phương và các nhóm thanh niên trong việc tăng cường truyền thông, giám sát cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong, góp phần gìn giữ bầu không khí trong lành cho thủ đô Hà Nội.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x