Người Paris đã làm gì để giảm 22% phát thải CO2 trong vòng 10 năm; giảm 30% lượng phương tiện giao thông trong vòng 7 năm, và rất nhiều cột mốc khác? Chính quyền Hà Nội đã làm gì trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay? Khách mời của tọa đàm gồm đại diện đến từ thành phố Paris là bà Karine Leger (Giám đốc Airparif), ông Olivier Chrétien (Đại diện thành phố Paris), bà Lê Thanh Thủy (đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), và KTS Trần Huy Ánh đã cùng trả lời những câu hỏi trên trong khuôn khổ buổi tọa đàm tại L’Espace diễn ra vào ngày 12/10 vừa qua.

Toàn cảnh hội thảo

Chiều thứ Bảy, ngày 12/10/2019 đã diễn ra Tọa đàm ‘Hà Nội – Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí?‘ tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội được tổ chức bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’espace, và bảo trợ truyền thông bởi Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Không khí sạch, thành phố Xanh” được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Ô nhiễm không khí chỉ mới nhận được sự quan tâm của người dân Việt Nam từ 1-2 năm gần đây, nhưng chúng ta đâu nhận ra rằng ô nhiễm không khí đã tồn tại từ 10 năm nay rồi (theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – Bà Lê Thanh Thủy). Với Việt Nam đã là vậy, còn với người dân Pháp, họ đã và đang đối mặt với vấn đề này đã được 20 năm.

Đại diện Airparif – Bà Karine Leger

Ở thủ đô của Pháp – Paris, nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí là từ hoạt động giao thông vận tải và việc đốt lò sưởi ấm trong mùa đông. Việt Nam may mắn không gặp phải vấn đề lò sưởi như Paris, nhưng lại gặp cùng vấn đề với hoạt động giao thông, vậy chúng ta có thể học hỏi gì từ thành phố đông đúc bậc nhất châu Âu này?

Paris nói riêng và nước Pháp nói chung đã thực hiện rất nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí. Trong số đó, việc đầu tiên mà nước Pháp đã làm là chia sẻ thẩm quyền của các biện pháp gắn với từng cấp độ. Mỗi cấp độ sẽ gắn thực hiện một biện pháp phù hợp với thẩm quyền của mình. Cụ thể, từ cấp độ trung ương, Nhà nước trung ương Pháp đã thông qua bản ‘Kế hoạch quốc gia về giảm phát thải’, cùng với ‘Kế hoạch Bảo vệ bầu không khí’ để có những hành động cấp thiết vì lợi ích của người dân. Tiếp theo, ở cấp vùng đã triển khai các chính sách liên quan đến giao thông công cộng và phát triển đô thị.  Cụ thể, thành phố Paris đã triển khai tái cơ cấu không gian công cộng để khuyến khích người dân đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng. Các hành động cụ thể như sau:

  • Thành lập khu phát thải thấp như khu vực kè sông Seine và tái cấu trúc không gian công cộng (gồm 7 quảng trường) với các hoạt động như cấm phương tiện cơ giới, chỉ cho phép người đi bộ và đi xe đạp lưu thông. 
  • Triển khai mạng lưới tàu điện mới và mạng lưới xe buýt nhanh chạy ở đại đô thị Paris (gồm hơn 10 triệu dân).
  • Khuyến khích người dân đi lại bằng xe đạp bằng cách mở rộng đường đi dành riêng cho xe đạp trên toàn thành phố Paris ra 3-3,5m và mở ra hơn 10.000 điểm đỗ xe đạp,…
  • Triển khai mạng lưới đi xe chung. Từ năm 2015-2018 là 200 điểm. Đến cuối năm 2019 dự kiến sẽ tăng lên 1200 điểm trên các tuyến đường.

Đối với vấn đề khí thải xe hơi do người dân sử dụng, chính quyền thành phố Paris đã đưa ra chính sách yêu cầu kiểm định xe hơi định kỳ. Theo đó, mỗi xe hơi sau khi kiểm định sẽ được “chấm điểm” để xếp vào 1 trong 5 hạng mức độ phát thải ra môi trường. Những xe nào có mức độ phát thải cao sẽ không được phép lưu thông trong thành phố. 

Đại diện thành phố Paris – Ông Olivier Chrétien

Về phần truyền thông cho người dân, thành phố Paris cũng đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nhìn nhận được tình hình ô nhiễm không khí tại nơi mình đang sống và cùng chung tay vì bầu không khí của thành phố. Cụ thể, thành phố Paris đã cho đi vào hoạt động trang thông tin về chất lượng không khí cập nhật theo thời gian thực (Qualité de I’air à Paris) và có giải thích từ chuyên gia giúp người dân hiểu các thuật ngữ khoa học. Ngoài ra, Paris còn thành lập hệ thống trạm quan sát GUAPO (Global Urban Air Pollution Observatory) phối hợp giữa các thành phố để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động cải thiện chất lượng không khí. Nhờ có sự hưởng ứng của người dân, những dự án như ‘Ngày không ô tô’ hay ‘Thành phố Paris hít thở’ đã được người dân đón nhận và cùng nhau tận hưởng bầu không gian trong lành tại các khu vực của thành phố. 

Những nỗ lực kể trên đã đạt được những kết quả triển vọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2001 – 2018, Paris đã giảm được 30% số phương tiện giao thông. Trong giai đoạn 2005 – 2015 giảm 22% lượng khí thải CO2, 40% khí thải NOx, và 32% lượng bụi PM 10. Trong thời gian tới, thành phố đang hướng tới giảm bớt số lượng xe chạy bằng xăng và thay thế bằng phương tiện chạy bằng VOC.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường – Bà Lê Thanh Thủy
Khách mời – Kiến trúc sư Trần Huy Ánh
Khách mời – Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Về phần Hà Nội, chính quyền thành phố chúng ta cũng đã và đang thực hiện rất nhiều hành động trong nhằm cải thiện chất lượng không khí như:

  • Thiết lập trạm quan trắc không khí để đưa ra cảnh báo diễn biến ô nhiễm
  • Cơ giới hóa trong xử lý rác thải
  • Triển khai xử lý sông hồ
  • Triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến
  • Tạo các mảng xanh trong khu đô thị
  • Triển khai các biện pháp nhằm kêu gọi người dân không đốt rơm rạ như kết nối người dân với các bên thu mua chế phẩm từ rơm rạ.
  • Đưa bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng
  • Triển khai khu vực phố đi bộ bờ hồ vào mỗi cuối tuần
  • Tăng cường số lượng xe buýt, và các tuyến xe buýt

Trong buổi tọa đàm, bà Lê Thanh Thủy cũng cho biết Hà Nội đang nghiên cứu thành phần hóa học trong hạt bụi PM 2.5 để xác định chính xác nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội, từ đó đưa ra mô hình tổng thể về sự lan truyền ô nhiễm của Hà Nội. Dự án dự kiến hoàn thành trong một năm tới để các nhà khoa học và chính quyền thành phố có những giải pháp cho Hà Nội. 

Khán giả đặt câu hỏi trong phần Thảo luận của chương trình

Kết thúc buổi tọa đàm, về phía Việt Nam, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thanh Thủy và KTS Trần Huy Ánh đều bày tỏ mong muốn người dân cùng đồng hành với chính quyền để hành động vì một lẽ sống, vì sức khỏe của chính chúng ta, từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm điện, tăng cường đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng,.. Mỗi chúng ta hãy có một cam kết của riêng mình và thực hiện cam kết đó mỗi ngày vì một bầu không khí chung!

Tìm hiểu thêm thông tin về buổi tọa đàm trong Thông tin báo chí dưới đây:

Zing News

Báo văn hóa & Du lịch

Báo Mới

Tin Môi trường

Cổng Thông tin điện tử bộ Giao thông vận tải

VNExpress 

Thời báo Tài chính

Báo MTX

Báo Kinh tế & Đô thị

Việt Báo

Báo Lao động Thủ đô

Báo Pháp Luật

Netnews

Báo Người Đô Thị

Báo Doanh nhân Trẻ

Báo Diễn đàn doanh nghiệp

Báo Một thế giới

Báo Hạt giống tâm hồn

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x